“MUỐN ĐƯỢC LÀM CON TRAI CÓ PHẢI LÀ MỘT TỘI LỖI RẤT LỚN KHÔNG?”
“Tôi đã từng có ý định tự chấm dứt cuộc sống vì cơ thể của chính mình.”
Chuyện bắt đầu từ khi tôi còn rất nhỏ, tôi nhận ra sâu thẳm trong mình thực sự đang có một điều gì đó khác lắm nhưng lại chẳng biết phải diễn tả nó như thế nào. Chỉ biết rằng, tôi đã từng luôn cảm thấy rất cô đơn và tội lỗi vì các bạn nữ xung quanh tôi, ai ai cũng đều yêu quý và chăm sóc cho cơ thể của mình lắm, vậy mà tôi lại thấy ghét nó kinh khủng, ghét mà lại chẳng biết là tại sao.
Cho đến năm 16 tuổi, lần đầu tiên được biết đến khái niệm về “gender dysphoria” (bức bối giới), cuộc đời tôi như được bước sang trang mới vậy. Tôi đã hiểu trong suốt thời gian qua, chẳng phải do tôi quái đản hay mắc bệnh, chỉ đơn giản là tôi đang ở trong giai đoạn bức bối mà rất nhiều người “như tôi” cũng đều đã và đang trải qua thôi. Thì ra, tôi là người chuyển giới nam, đó là lý do tại sao tôi luôn cảm thấy chán ghét cái cơ thể siêu nữ tính của mình đến như thế.
Tôi dần có hy vọng hơn về tương lai, chính thức sử dụng nhãn “chuyển giới nam” và tham gia những trang cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam từ đó, đồng thời lập kế hoạch can thiệp y tế để thực hiện ước mơ trở về với cơ thể thật của mình. Nhưng khi tôi càng tìm hiểu sâu, càng hy vọng nhiều thì lại càng thêm thất vọng. Tôi nhận thấy chúng ta không chỉ cần phải đối mặt với bức bối giới mà còn phải đối mặt với cả cách để vượt qua nó nữa. Ừ thì đã biết là bản thân mình bức bối và biết nên vượt qua thế nào rồi đấy, nhưng liệu có thể vượt qua nó không khi phác đồ điều trị hay khả năng can thiệp y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam vẫn có rất nhiều hạn chế?
Để giải tỏa phần nào bức bối, chúng ta chỉ có thể xin tư vấn và tham khảo kinh nghiệm từ các anh em trong cộng đồng hoặc các bác sĩ nội tiết nên nhiều khi rất khó để xác minh thông tin an toàn, chuẩn xác. Chưa kể đến việc khi tham gia tư vấn nội tiết, tôi thường gặp khá nhiều câu hỏi gây khó chịu, khiến tôi có chút cảm giác bản thân đang bị kỳ thị, đặc biệt là khi tôi tiết lộ rằng tôi có tình cảm với nam giới. Có lẽ là vì các bác sĩ nội tiết ở Việt Nam chưa thực sự có đủ kiến thức về giới nên với họ, transgay như tôi vẫn là một điều gì đó kì cục lắm ấy.
Tôi nghĩ tôi khá là “may mắn” khi mà cả ngoại hình và giấy tờ của mình đều vẫn còn nữ tính, nên chưa gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công. Ngoài ra thì bên cạnh tôi cũng đang có một người yêu rất tuyệt vời, luôn chủ động dành thời gian cho tôi và không ngần ngại bảo vệ tôi trước người khác nữa. Tuy nhiên, điều đó cũng không khỏi khiến tôi cảm thấy buồn bực và lo lắng về việc bị phân biệt đối xử mỗi khi cần đi khám bệnh, ứng tuyển việc làm vì ngoại hình là nam mà giới tính lại là nữ. Đó cũng là một điều khá hạn chế với bản thân tôi và nhiều bạn trans khác.
Thêm nữa là sự khó khăn trong việc can thiệp y tế cho cộng đồng người chuyển giới Việt Nam nữa nên không phải tốt hơn sao nếu quy định về dự thảo luật chuyển đổi giới tính không bắt buộc điều đó?
Tôi thực sự mong rằng dự thảo về luật chuyển đổi giới tính sẽ sớm được thông qua, hỗ trợ tôi cũng như bao bạn khác trong cộng đồng có thể sớm về với chính mình.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe chia sẻ của tôi. Chúc các bạn luôn vững bước trên hành trình mà các bạn đã chọn ❤️
#ToA4 #Batdaucohau
—
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã chính thức được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến người dân. Đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng người chuyển giới và toàn xã hội đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng Luật. Bạn có thể đóng góp cho Dự thảo tại đây: https://forms.gle/oMYDbEzTFPUyipW38