CETD: [NOHS x IT’S T TIME| RECAP SỰ KIỆN LIVESTREAM REBORN – HỒI SINH]
[NOHS x IT’S T TIME| RECAP SỰ KIỆN LIVESTREAM REBORN – HỒI SINH]
Tối ngày 07/01 vừa qua, sự kiện livestream Reborn – Hồi Sinh đã được diễn ra trên fanpage của IT’S T TIME và Mạng lưới Sinh viên Khối ngành Sức khỏe Việt Nam – NOHS / IFMSA Vietnam thông qua nền tảng trực tuyến Zoom. Với sự tham gia của ba khách mời đầy kinh nghiệm, cùng sự dẫn dắt đầy duyên dáng đến từ hai host và hơn 1000 lượt xem, sự kiện đã mang đến những phút giây thảo luận sôi nổi cùng nhiều bài học thú vị về vấn đề phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới.
Mở đầu livestream, chúng ta đã cùng ba vị khách mời trao đổi lại một số vấn đề cơ bản xoay quanh việc phân biệt đối xử đã được thảo luận tại giai đoạn 1 và giai đoạn 2 như khái niệm, cách xác định hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử,… Tiếp đó một số tình huống đã được host đặt ra để cùng nhau thảo luận xem liệu đây có phải là hành vi phân biệt đối xử. Để giải quyết những vấn đề đó, anh Trần Anh Vũ cho rằng chúng ta nên cố gắng bắt sóng những người là đồng minh của mình thông qua các cuộc trò chuyện, trao đổi. Chị Huy Bảo và Quế Phương cũng đưa ra những lời khuyên tương tự về việc phải lắng nghe để cùng thấu hiểu nhau.
Đến với mệnh đề TÔI KHÔNG KÌ THỊ ĐÂU, NHƯNG… cả ba vị khách mời đều có chung nhận định đây là hành vi kì thị song người nói đang dần thay đổi nhận thức và đang tìm cách chấp nhận sự đa dạng. Chị Quế Phương cho rằng chúng ta nên thể hiện sự tôn trọng đối phương để nhận được sự tôn trọng ngược lại cũng như tiếp tục trao đổi nếu cả hai bên đều thoải mái. Đồng ý với ý kiến của Phương, chị Huy Bảo và anh Anh Vũ cũng nói rằng người nói đang cố gắng không làm tổn thương người nghe song chưa nghĩ được cách trao đổi tốt hơn. Nhìn chung, quan trọng nhất trong việc giảm thiểu kỳ thị, phân biệt đối xử là phải học cách lắng nghe nhau, sau đó cùng trao đổi, tiếp theo mới là thay đổi nhận thức.
Tiếp theo livestream, các vị khách mời và người xem đã cùng nhau trao đổi một số phương pháp để giải quyết phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Chị Huy Bảo cho rằng, xã hội nên tiếp tục giáo dục, tuyên truyền những kiến thức cơ bản về giới, từ đó thúc đẩy nhận thức xã hội. Đồng quan điểm đó, chị Quế Phương cũng phát biểu về việc giáo dục là quan trọng nhất. Chị cũng nêu lên rằng, xã hội nên góp phần xây dựng nên những “người tốt”, vì người tốt là những người biết cảm thông, tôn trọng người khác. Anh Anh Vũ cũng đồng ý với việc giáo dục giới tính từ bé cho trẻ nhỏ và kết hợp vào chương trình giảng dạy trên trường lớp.
Kết thúc livestream, ba vị khách mời đã gửi tới chúng ta những thông điệp ý nghĩa, như đang ôm ấp, vỗ về đứa trẻ trong mỗi người sau ngần ấy những tổn thương rằng: “Hãy luôn biết rằng bạn không sai, người làm tổn thương bạn mới là người sai. Chúng ta không cần chống trả, không cần thù hằn thế giới vì bạn không cô đơn, ngoài kia vẫn còn rất nhiều người, rất nhiều cộng đồng yêu thương các bạn.”
Dù chỉ vỏn vẹn hơn 1h30 phút cùng nhau trao đổi, thảo luận, chúng mình hi vọng sự kiện livestream REBORN – HỒI SINH đã mang lại cho các bạn những phút giây bổ ích, thú vị, cũng như tạo lập không gian an toàn để chúng ta cùng nhau “ấp ôm em, ấp ôm đa dạng”. Một lần nữa, NOHS và ITT xin chân thành cảm ơn các vị khách mời cùng tất cả các bạn đã dành thời gian đồng hành, lắng nghe, chia sẻ cảm nghĩ của mình về vấn đề kì thị, phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới! Hẹn gặp lại các bạn trong các sự kiện tiếp theo!
———–
CHÀO “EM”, TÔI ĐÂY – ẤP ÔM EM, ẤP ÔM ĐA DẠNG
Chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới, SOGIESC và kỹ năng đối mặt với tự kỳ thị, phân biệt đối xử đồng kiến tạo và triển khai bởi IT’S T TIME và Mạng lưới Sinh viên Khối ngành Sức khỏe Việt Nam – NOHS / IFMSA Vietnam nằm trong khuôn khổ Quỹ sáng kiến thúc đẩy không phân biệt đối xử – AND của Viện ISEE