CÂU CHUYỆN CỦA NGỌC ANH
“Thủ tục khai giấy khai sinh của bé nhà mình chỉ có tên mẹ hay quá trình nhập hộ khẩu cũng bất cập và rườm rà. Tụi mình không được hưởng trợ cấp, bảo hiểm thai sản, cũng không được giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân mặc dù cả hai đều là những công dân nghiêm túc.”
Xin chào các độc giả của TỜ A4! Mình là Ngọc Anh và mình là người chuyển giới nam. Mình đã lập gia đình và hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên hành trình tìm hiểu bản thân, bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình không hề dễ dàng. Cũng giống như các bạn khác, ban đầu mình cũng nhầm lẫn mình là đồng tính nữ do năm lớp 7 là lúc mình nhận ra mình có cảm xúc đặc biệt với những bạn nữ khác. Thông tin về LGBT ở nông thôn vào những năm 2004-2005 thì rất hạn chế, và thông tin xuyên tạc rất nhiều. Mãi cho tới những năm học đại học, được biết đến 6+ mình mới tìm hiểu và đào sâu các khái niệm về đa dạng giới, bản dạng giới. Đó cũng là lúc mình nhận ra bản thân là một người chuyển giới nam.
Năm 2021, mình và vợ mình đã đưa ra quyết định bước ngoặt là sinh em bé bằng phương pháp IVF. May mắn cho hai đứa, bố mẹ vợ mình rất thương và thấu hiểu con. Khi về thưa chuyện với gia đình vợ, bố nói một câu làm mình cảm động và nhớ mãi “Bố không quan tâm người ngoài nói thế nào, bố chỉ quan tâm các con”. Sau này, mình mới tìm hiểu thêm thông tin về hormone qua trang FTM VN và bắt đầu sử dụng thuốc thời gian gần đây.
Quá trình come out của mình với gia đình cực kỳ khó khăn. Mình xuất thân từ nông thôn, bố mất sớm nên mẹ mình bất đắc dĩ rơi vào cảnh “mẹ đơn thân”. Áp lực phải nuôi dạy 3 chị em nên người và trưởng thành bình thường như các bạn nữ khác không chỉ dồn lên lưng mẹ, mà còn khiến mình rơi vào trạng thái vô cùng bối rối và lạc lõng. Những năm tháng đi học, mình chịu sự phân biệt đối xử từ phía giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Họ biết mình khác biệt nên cũng để ý mình nhiều hơn. Mình đã từng bị hạ hạnh kiểm xuống trung bình chỉ vì vắng mặt trong một buổi đi lao động tại trường. Nhưng thay vì đưa ra giải thích chính đáng, cô lại nói rằng đánh giá như vậy để động viên và giúp mình tiến bộ hơn. Lúc đó mình chỉ biết im lặng và chấp nhận. Năm cấp 3 là lúc mình cảm thấy thoải mái và được lắng nghe khi chơi rất thân với một bạn nữ. Những người lớn lại hiểu nhầm và ngăn cấm tụi mình chơi với nhau. Tất cả những chuyện xảy ra như vậy lại càng khiến mình không bộc lộ bản thân vì lo sợ gia đình bị dị nghị và bạn bè xung quanh xa lánh. Đỉnh điểm là năm 23 tuổi khi mình come out với mẹ và gia đình xảy ra chiến tranh lạnh. Từ chuyện sinh hoạt hàng ngày đến chuyện công việc, gia đình như lấy chồng sinh con đều là những áp lực vô hình đè lên vai mình suốt nhiều năm.
Sau này khi đi phỏng vấn, mình cũng phải chịu đựng sự đánh giá và gây khó khăn từ phía ban tuyển dụng chỉ vì ngoại hình và con người của mình. Khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng vậy. Tuy không nhận về những cái nhìn đánh giá hay kỳ thị nhưng mình cũng gặp khá nhiều trở ngại. Điển hình là quá trình đăng ký CMND; đổi tên, phải trải qua nhiều lần bị từ chối và xuất trình thêm rất nhiều giấy tờ chứng minh thì thủ tục của mình mới được chấp nhận. Thủ tục khai giấy khai sinh của bé nhà mình chỉ có tên mẹ hay quá trình nhập hộ khẩu cũng bất cập và rườm rà. Tụi mình không được hưởng trợ cấp, bảo hiểm thai sản, cũng không được giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân mặc dù cả hai đều là những công dân nghiêm túc.
Là một người đã từng chật vật rất nhiều trong quá trình tìm hiểu và học hỏi kiến thức về giáo dục giới tính, đa dạng tính dục,…, mình hiểu tầm quan trọng của việc cởi mở đón nhận tri thức và nâng cao nhận thức về bản thân. Bên cạnh những trải nghiệm của bản thân ra thì mình cũng có kinh nghiệm hoạt động trong mạng lưới của CSAGA. Vì vậy, mình cho rằng giáo dục giới tính cơ bản thì phù hợp với các bạn lớp 3, kiến thức về đa dạng giới thì phù hợp với các bạn cấp 2. Hi vọng những kiến thức này sẽ sớm được phổ cập và lồng ghép vào các chương trình học, giáo dục,…
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!
—
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã chính thức được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến người dân. Đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng người chuyển giới và toàn xã hội đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng Luật. Bạn có thể đóng góp cho Dự thảo tại đây: https://forms.gle/oMYDbEzTFPUyipW38