Call Us

0977682627

TỪ ĐIỂN PHÁP LÝ BỎ TÚI O2: NGƯỜI CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH VÀ NGƯỜI ĐỀ NGHỊ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH – KHÁC BIỆT Ở ĐÂU?

🧐 Qua số đầu tiên của từ điển, chúng ta đã cùng tìm hiểu những kiến thức “đại cương” về pháp luật mà chúng mình tin rằng nó có thể giúp ích rất nhiều cho hành trình đạt được một bắt đầu có hậu của bạn. Ở số thứ 02 này, hãy cùng chúng mình tiếp tục hành trình ấy bằng cách đi sâu vào Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính. Bức màn đầu tiên được vén lên sẽ là khái niệm gắn bó nhất với cộng đồng chúng ta – người chuyển đổi giới tính.
Tại Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (phiên bản tháng 1/2022 của Bộ Y tế) có hai khái niệm trực tiếp nhắc đến chủ thể của luật là “người chuyển đổi giới tính” và “người đề nghị chuyển đổi giới tính”.
🏳️‍⚧️ Theo đó, Người đề nghị chuyển đổi giới tính (sau đây gọi tắt là người đề nghị) được quy định là: “Người có giới tính sinh học hoàn thiện, tự thấy mình có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính.” (khoản 1, điều 2).
🏳️‍⚧️ Trong khi đó, Người chuyển đổi giới tính được quy định là: “Người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật này.” (khoản 2, điều 2)
Đọc hai khái niệm trên, chúng ta có thể thấy ngay rằng sự khác nhau của chúng nằm ở trạng thái pháp lý của người chuyển giới. Người chuyển đổi giới tính là người chuyển giới đã được pháp luật công nhận, người đó có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đối với giới tính đã được công nhận đó ví dụ như được đổi tên, được thay đổi giới tính trong mục giới tính trên giấy tờ tùy thân,… Trong khi đó, người đề nghị lại là người chuyển giới chưa được pháp luật công nhận và đang có nguyện vọng được pháp luật công nhận. Có thể hiểu, sự phân biệt này là để cơ quan có thẩm quyền có thể dễ dàng hơn trong việc thụ lý và giải quyết các yêu cầu của người có nhu cầu công nhận là người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc cho đến khi đủ điều kiện được công nhận, giấy tờ tùy thân của người đó vẫn là giới tính sinh học của họ.
🧐 Dù trong phiên bản trước đó, Dự thảo luật đã đưa ra khái niệm về người chuyển giới khá đầy đủ nhưng tại phiên bản tháng 11/2022, dự thảo luật lại bổ sung thêm một phần vào khái niệm người chuyển đổi giới tính có phần khác so với những hiểu biết của chúng ta về người chuyển giới. Cụ thể, tại khoản 2, điều 2, dự thảo quy định:
“Người chuyển đổi giới tính là người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và đề nghị được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật này.”
❓ Phải chăng, từ “chuyển đổi” đã vô tình khiến nhiều người cho rằng cần phải chuyển đổi về mặt y học? Quy định người đề nghị là người có nhận diện khác với giới tính sinh học nhưng muốn trở thành người chuyển đổi giới tính lại phải can thiệp y học để được công nhận, liệu điều này có làm sai lệch bản chất trong định nghĩa của người đề nghị hay không? Bạn đọc của IT’S T TIME thấy thế nào về khái niệm người chuyển đổi giới tính này? Hãy comment bên dưới để chúng ta có những cuộc thảo luận thú vị nha!
_______
Những khái niệm tưởng chừng gần gũi với chúng ta khi được quy định trong luật lại có thể trở nên khó hiểu và rắc rối hơn. Nhưng điều đó là cần thiết để các nhà quản lý có thể phân loại và quản lý một cách hiệu quả hơn. Nếu những khái niệm trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính làm bạn có khúc mắc, đừng quên IT’S T TIME luôn đồng hành để giải đáp những thắc mắc của bạn.
🏳️‍⚧️ Hi vọng rằng với số 02 này, chúng mình đã hiểu hơn về khái niệm “Người chuyển đổi giới tính” và “Người đề nghị chuyển đổi giới tính” trong khuôn khổ Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào đối với hai khái niệm này thì đừng ngần ngại comment ở bên dưới để IT’S T TIME có thể giúp bạn giải đáp. Hãy đón đợi những số tiếp theo của Từ điển pháp lý bỏ túi để hiểu rõ thêm về các vấn đề trong Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhé!
__
📃TỜ A4 – BẮT ĐẦU CÓ HẬU🏳️‍⚧️
Một chiến dịch truyền thông và vận động đồng tổ chức bởi IT’S T TIME và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, là một phần của chiến dịch Tự Do và Bình Đẳng (Free & Equal) năm 2023. “Tờ A4 – Bắt đầu có hậu” hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng.
Liên hệ:
– Email: itsttime.vn@gmail.com
– Hotline: Mr. Quốc Anh – 097 768 2627

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TỜ A4 Bắt đầu có hậu T IT'STTIME TỰDO&BÌNHĐẲNG TỪ ĐIỂN PHÁP LÝ BỎ TÚI NGƯỜI CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH (cụm danh từ) "Người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật Chuyển đổi giới tính" (khoản 2, điều 2). www.itsttime.vn'

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TỜ A4 Bắt đầu có hậu IT'STTIME TỪ ĐIỂN PHÁP LÝ BỎ TÚI NGƯỜI ĐỀ NGHỊ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH (cụm danh từ) "Người có giới tính sinh học hoàn thiện, tự thấy mình có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính." (khoản 1, điều 2). www.itsttime.vn'

Add a Comment

Your email address will not be published.