[TRỰC TIẾP] 🏳️⚧️ 🏳️⚧️ 🏳️⚧️ VIỆT NAM TRONG NỖ LỰC BẢO VỆ VÀ THÚC ĐẨY PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRÊN CƠ SỞ GIỚI
IT’S T TIME và các tổ chức của cộng đồng LGBIQA+ vô cùng hãnh diện và tự hào khi nhận được lời mời từ Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tham dự và báo cáo tại “Hội thảo Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” hiện đang diễn ra ngay lúc này (thứ Sáu, 27/05/2022) tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72, Toà Keangnam, Hà Nội.
Sự kiện này có sự tham dự của đại diện các Bộ, cơ quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, một số cơ quan nghiên cứu và tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
Hoạt động này góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là các nỗ lực trong việc thúc đẩy phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới trong nước và quốc tế.
Một số nội dung thảo luận trọng điểm được chị Ngô Hoàng Ngọc Hiệp, Cán bộ Nguồn lực và quan hệ đối tác của IT’S T TIME ghi nhận trực tiếp từ Hội thảo:
DỰ THẢO LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH CẦN SỚM ĐƯỢC THÔNG QUA
Tiến sĩ Mandeep Dhaliwal, Giám đốc Nhóm HIV và Y tế của UNDP nhấn mạnh trong bài trình bày của bà về tầm quan trọng của sự tham gia, góp giọng và giúp sức của liên minh C4TRANS (Trung tâm SCDI, Viện iSEE, IT’S T TIME và các tổ chức khác) hỗ trợ Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trong tiến trình vận động cho Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Sau một thời gian dài nỗ lực, C4TRANS đã vận động để dự thảo bổ sung thêm quy định người đề nghị chuyển đổi giới tính KHÔNG BỊ BẮT BUỘC PHẢI CAN THIỆP Y TẾ để được công nhận. Đây là bước ngoặt mang tính tiên phong trong việc thừa nhận và bảo vệ quyền của cộng đồng thiểu số về tính dục, bản dạng giới, bởi nếu được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á đạt được thành tựu này.
Đặc phái viên về quyền LGBT, Bà Jessica Stern nhận lời mời chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có mặt tại Hội thảo lúc này để trình bày những ưu tiên trong bảo vệ quyền của cộng đồng LGBTIQA+ và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam và Hoa Kỳ trong nỗ lực không bỏ ai lại phía sau và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, kỳ thị và phân biệt đối xử. Bà Stern cũng nhấn mạnh về hiện trạng thiếu vắng cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của người chuyển giới và những thách thức cộng đồng này đang phải đối mặt sẽ tiếp tục gia tăng nếu Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính chưa được thảo luận và thông qua.
CÁC TỔ CHỨC, HỘI NHÓM CỦA CỘNG ĐỒNG LGBTIQA+ ĐƯỢC MỜI THAM VẤN
Theo báo cáo viên ghi nhận, đây cũng là một tín hiệu tích cực và đáng hoan nghênh của Chính phủ Việt Nam nhằm lắng nghe, ghi nhận và thấu hiểu vai trò của các tổ chức vận động quyền của người LGBTIQA+. Việc chủ động và kêu gọi sự tham gia lên tiếng của các bên liên quan là những cá nhân, tổ chức và nhà hoạt động xã hội về quyền của người LGBTIQA+ trong suốt những năm qua, một lần nữa cho thấy Việt Nam đang có những bước đi chắc chắn và quyết đoán để thúc đẩy cho chủ trương, tinh thần bảo vệ các cộng đồng yếu thế tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cập nhật nghị trình thảo luận để bạn đọc và cộng đồng LGBTIQA+ tiếp tục theo dõi trong các bài viết tới.
Bài viết: #ĐôngPhong
Ảnh: #NgọcHiệp
Chú thích ảnh: Bà Jessica Stern, Đặc phái viên Hoa Kỳ về quyền của người LGBTIQA+ phát biểu tại hội thảo
