Quan điểm của IT’S T TIME về chương trình “Khi con lệch lạc giới tính”
Mới đây trên trang Fanpage Truyền Hình Vì Trẻ Em VTV1 (htt ps://www.facebook.com/vitreemVTV1/) đã diễn ra buổi ghi hình trực tiếp (Livestream) với nhan đề Chuyện Nhà: “Khi con lệch lạc giới tính”:
Ngay sau những phút đầu tiên dẫn nhập vào vấn đề, phát ngôn của biên tập viên và khách mời Tiến sĩ y khoa, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội) đã vấp phải làn sóng phản đối và luồng quan điểm bình luận chỉ trích (207 bình luận, 55 lượt chia sẻ) tới từ khán giả và giới chuyên môn theo dõi chương trình với:
![💥](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t40/1/16/1f4a5.png)
![🔥](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t50/1/16/1f525.png)
![💥](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t40/1/16/1f4a5.png)
![🔥](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t50/1/16/1f525.png)
Với tư cách, vai trò và trách nhiệm của một tổ chức cộng đồng vận động cho quyền của người chuyển giới, đa dạng giới – IT’S T TIME chúng tôi chủ động lên tiếng với mong muốn thúc đẩy những suy tư, thảo luận xã hội cần thiết để bạn đọc nói riêng, công chúng nói chung có cái nhìn, đánh giá đa chiều về vấn đề đang được nói đến.
Từ đó, góp phần hạn chế những phán đoán, phát ngôn và hành động mang tính một chiều, không có sự thấu cảm và bỏ qua sự tồn tại, quyền cũng như lợi ích hợp pháp của những người có liên quan tới chủ đề này – những trẻ vị thành niên và cá nhân có bản dạng giới, xu hướng tính dục và thể hiện giới không/bất tuân theo Nhị nguyên giới (Nam hay Nữ) hoặc hiểu rộng ra là cộng đồng thiểu số tính dục tại Việt Nam.
CHÚNG TA CẦN HIỂU KHÁI NIỆM “LỆCH LẠC GIỚI TÍNH” NHƯ THẾ NÀO?
Phần đầu của Livestream tập trung vào việc giải thích khái niệm LỆCH LẠC GIỚI TÍNH qua chia sẻ của chuyên gia.
![🎬](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t2d/1/16/1f3ac.png)
“…Tôi có gen di truyền, bộ phân sinh dục là nữ giới nhưng trong đầu óc, trong tư tưởng của tôi rất là mãnh liệt, rất là dứt khoát KHÔNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NỮ, TÔI LÀ NAM, thế thì cái khái niệm đó thì mình được gọi là LỆCH LẠC GIỚI TÍNH mà nếu chỉ đơn giản như thế thôi thì nó không có vấn đề gì quá trầm trọng nhưng nó thường kèm theo là tôi phủ nhận cái giới tính khi sinh của tôi cho nên là tôi rất là lo âu, tôi rất là buồn phiền, tôi rất là chán nản và tôi không có thích cái bộ phận, không thích cơ thể của tôi và dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho nên nó sẽ trở thành vấn đề…người ta gọi là RỐI LOẠN NHẬN DẠNG GIỚI TÍNH.”
Dựa trên phát ngôn này của tiến sĩ, IT’S T TIME xin chia sẻ như sau:
Có thể khán giả chưa biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trách nhiệm xây dựng bảng Phân loại Quốc tế về Bệnh tật và các Vấn đề Liên quan đến Sức khỏe (ICD) trong khi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã xuất bản cuốn Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần (DSM). Cả hai tài liệu trên đều được các hệ thống y tế công cộng trên thế giới sử dụng để mã hóa và quản lý các dịch vụ y tế. Trong clip minh họa mà Livestream sử dụng có nhắc tới hệ thống phân loại DSM. Tuy nhiên, thuật ngữ cũ hay cách dùng từ “LỆCH LẠC GIỚI TÍNH” vốn đã không được hệ thống này sử dụng trong vòng hơn 40 năm qua.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số cột mốc thay đổi, phát triển của thuật ngữ như sau:
Năm 1952: đồng tính chính thức bị xem là bệnh tâm thần trong DSM 01. Tại thời điểm đó, điều này không có gì là tranh cãi trong giới chuyên gia cũng thư mức độ hiểu biết, thái độ biểu hiện của xã hội.
Các nghiên cứu trước đó về đồng tính chủ yếu được tiến hành trên những bệnh nhân của các bác sĩ tâm thần hoặc các tù nhân là người đồng tính, những người nhiều khả năng đã có sẵn các vấn đề tâm thần. Vì đây là những người đồng tính dễ dàng nhất mà các nhà nghiên cứu tiếp cận được.
Năm 1953, Tiến sĩ Evelyn Hooker (sinh năm 1907) nộp đơn vào Viện Quốc gia Sức khỏe Tâm thần (NIMH) để tiến hành nghiên cứu về “những người đồng tính bình thường.”
Năm 1973, đồng tính được chính thức đưa ra khỏi DSM 03
Năm 1992, Evelyn Hooker nhận được giải thưởng Đóng góp Nổi bật cho ngành Tâm thần học của APA. Bà đã chia sẻ vinh dự của mình với toàn bộ cộng đồng người đồng tính, và vui mừng khi thấy nghiên cứu của bà và “quá trình vận động bền bỉ cho một cái nhìn khoa học về đồng tính” có thể làm cuộc sống của nhiều người đồng tính và gia đình họ tốt đẹp hơn.
Năm 2013, DSM đã sử dụng lại một thuật ngữ cũ – “phiền muộn giới” (gender dysphoria). Đây có thể được xem là một bước đi tích cực. Rối loạn bản dạng giới được coi là một cách phân loại tiêu cực lên bản dạng giới và có phần phủ định sự da dạng, trong khi thuật ngữ phiền muộn giới tập trung nhiều hơn vào những căng thẳng và buồn khổ mà một số người chuyển giới cảm thấy khi bản dạng giới của họ không tương thích với cơ thể của họ, và cho thấy tâm lý buồn khổ gây ra bởi chứng phiền muộn giới có thể mất đi khi mối liên hệ tinh thần giữa một người với cơ thể của chính họ thay đổi (có thể là kết quả của việc sử dụng hoóc-môn hay phẫu thuật). Có thể nói, thuật ngữ “phiền muộn giới” của DSM mới là một hướng đi mới cho những chăm sóc y tế chứ không mang tính áp đặt một nhãn hiệu vĩnh viễn như “rối loạn bản dạng giới”
Trên phạm vi quốc tế, bao gồm cả ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được sự ủng hộ bởi nhiều chuyên gia y tế, cộng đồng người chuyển giới đã đấu tranh không ngừng để thay đổi quan điểm trước đây, theo đó người chuyển giới và các nhu cầu sức khỏe riêng biệt không còn bị xác định và chẩn đoán như là một bệnh lý về sức khỏe tâm thần. Quá trình này thường được nhắc đến như là “phi bệnh lý hóa người chuyển giới”.
Tháng 5/2010, Hội đồng Quản trị WPATH – Hiệp hội chuyên khoa thế giới về Sức khỏe người chuyển giới đã ban hành tuyên bố sau đây: “Đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu các nỗ lực nhằm “phi bệnh lý hóa” những sự đa dạng giới” (WPATH Board of Directors, 2010).
“Sự biểu hiện các đặc điểm về giới, bao gồm bản dạng giới không thống nhất một cách khuôn mẫu với giới tính lúc sinh, là một hiện tượng mang tính phổ biến và đa dạng văn hóa của loài người, không nên bị đánh giá là bệnh lý bẩm sinh hay tiêu cực. Việc bệnh lý hóa các đặc điểm giới và bản dạng giới sẽ làm phát sinh và tăng thêm kỳ thị, tạo ra định kiến và phân biệt đối xử nhiều hơn, làm cho người chuyển giới dễ bị bạo hành, lạm dụng và cô lập, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất. WPATH kêu gọi các cơ quan nhà nước và y tế nên xem xét các chính sách và hoạt động của họ để xoá bỏ kỳ thị đối với những người chuyển giới.”
PHỦ NHẬN CÁC ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA GIỚI TÍNH LÚC SINH CÓ PHẢI LÀ DẤU HIỆU BỆNH LÝ HAY RỐI LOẠN TÂM THẦN
Nhiều người chuyển giới không coi vấn đề của mình là sự trầm cảm hay mệt mỏi, vì vậy việc nhận dạng là một người chuyển giới không liên quan đến một rối loạn tâm thần. Đối với những cá nhân này, vấn đề của họ đó là tìm được một nguồn hỗ trợ tốt, như sự tham vấn, liệu pháp hoóc-môn, phẫu thuật chuyển đổi, và sự hỗ trợ của xã hội để họ được thể hiện giới tính mong muốn của mình và giảm thiểu sự kì thị.
Nguyên nhân sự trầm cảm của người chuyển giới thường xuất phát từ sự chối bỏ của xã hội, phân biệt đối xử trực tiếp hay gián tiếp và xâm hại về cơ thể, tinh thần. Những điều này làm nhiều người chuyển giới phải đối mặt với các vấn đề như căng thẳng, buồn bã, hay các rối loạn có liên quan cao hơn những người không phải chuyển giới.
CHUYÊN GIA TIẾP TỤC NHẤN MẠNH YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG, KHẢ NĂNG NUÔI DƯỠNG CỦA CHA MẸ LÀ NGUYÊN NHÂN TIÊN QUYẾT QUYẾT ĐỊNH GIỚI TÍNH CỦA TRẺ
![🎬](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t2d/1/16/1f3ac.png)
“…yếu tố môi trường, xã hội. Liệu đứa trẻ đó có bị bỏ mặc, có bị bạo hành hay không? Người mẹ, người bố có vấn đề về giới tính nuôi dạy con mình không có đúng chuẩn mực làm cho đứa trẻ phụ thuộc vào cha mẹ rất là nhiều nhất là trong giai đoạn đầu nhiều khi làm cho đứa trẻ phải nghe theo và nó bị nhầm lẫn…”
Trong nhận định này, chuyên gia đưa ra các ví dụ nói trên cho thấy sự phủ nhận khả năng tự nhận thức và nhận dạng ở trẻ và vị thành niên đối với bản dạng giới, xu hướng tính dục cá nhân của các em. Viện dẫn quá trình nuôi dưỡng, tiếp nhận giáo dục hay tương tác với xã hội mới là yếu tố tiên quyết định hình giới tính của một người là cái nhìn một chiều và mang tính áp đặt bởi lẽ cho dù là hành vi dị tính hay hành vi đồng tính đều là những khía cạnh bình thường của tính dục con người. Cả hai đều được ghi nhận trong các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù những định kiến dai dẳng vẫn xây dựng hình ảnh người đồng tính, song tính như những người lệch lạc, hàng thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đều đi đến kết luận rằng đồng tính, dị tính hay song tính đều là điều bình thường, tự nhiên của con người. Các tổ chức y học, sức khỏe tâm thần đều lần lượt không còn xem đồng tính hay chuyển giới là một bệnh hay rối loạn tâm lý nữa.
Trong quá khứ đồng tính, chuyển giới hay là một người LGBTIQA+ nói chung từng bị coi là rối loạn tâm lý bởi vì các chuyên gia sức khỏe tâm thần và cả xã hội đã có những thông tin sai lệch về đồng tính hay chuyển giới, do họ chỉ nghiên cứu trên những người vốn đang phải trị liệu tâm lý hay có bức bối giới (phiền muộn giới). Khi những nghiên cứu về sau này mở rộng ra những người đồng tính, chuyển giới không trị liệu tâm lý, kết luận đồng tính, chuyển giới là rối loạn tâm lý trở nên không đúng nữa.
Như vậy, việc ngưng sử dụng thuật ngữ cũ “LỆCH LẠC GIỚI TÍNH” và quá trình phát triển thuật ngữ nói chung từ DSM cho thấy nỗ lực thừa nhận bản dạng, xu hướng tính dục đa dạng của con người không thể bị xếp hạng, phân loại và bệnh lý hóa từ đó hạn chế các quyền lợi chính đáng mà từ khi sinh ra mọi cá nhân đều xứng đáng được hưởng cho dù họ là người dị tính, đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc liên giới (LGBTIQA+).
IT’S T TIME chúng tôi tin rằng với vị thế và mức độ phát triển của phong trào vận động cho quyền bình đẳng của người LGBTIQA+ trong vòng hơn 10 năm qua tại Việt Nam, trách nhiệm của một cơ quan truyền hình quốc gia như VTV cần phải nỗ lực, cẩn trọng và thấu cảm hơn nữa trong việc cập nhật thay kiến thức, thông tin mới nhất trong khu vực, thế giới để gia tăng hiệu quả trong công tác giáo dục, nâng cao, phổ biến kiến thức Đa dạng tính dục người, đồng thời không khắc sâu thêm những định kiến, kỳ thị đối với các cộng đồng thiểu số về tính dục.
Với vai trò là một tổ chức cộng đồng của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME khẩn thiết kêu gọi các tổ chức hoạt động và vận động cho quyền của người LGBTIQA+, thuộc lĩnh vực bình đẳng hay công lý giới lên tiếng yêu cầu cơ quan truyền thông có trách nhiệm giải trình, cải chính, cập nhật thông tin, kiến thức. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá tới những hệ lụy và ảnh hưởng của những luồng quan điểm, thông tin góp phần gia tặng kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử hay bạo lực chống lại bất cứ cá nhân thuộc bản dạng, xu hướng tính dục hay thể hiện giới nào. Việc hiểu về những kiến thức, thông tin nói trên không phải chỉ dừng ở thấu cảm, tôn trọng hơn với cộng đồng LGBTIQA+ mà còn là mở rộng vốn hiểu biết, sự bao dung với chính bản thân chúng ta.
Tài liệu tham khảo: download tại trang http://www.thuvien.lgbt/
• Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới và không theo chuẩn giới
• Hướng dẫn chăm sóc toàn diện cho người chuyển giới và cộng đồng chuyển giới tại châu Á và Thái Bình Dương
• Trả lời các câu hỏi của bạn về đồng tính và xu hướng tính dục
• Trả lời các câu hỏi của bạn về người chuyển giới, bản dạng giới, và thể hiện giới
• Trang tin: http://www.6sac.com/