PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH
Chiều 20/9, tại Nhà Quốc hội, góp ý hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo và Đề cương dự thảo Luật chuyển đổi giới tính tại Phiên họp thứ Nhất của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, các ý kiến đề nghị tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng dự án luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì Phiên họp. Dự Phiên họp có thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ giúp việc và các chuyên gia.
______
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thống nhất đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Giáo sư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của đại biểu Quốc hội.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã công bố Nghị quyết số 858/NQ-UBTVQH ngày 8/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Nghị quyết số 858/NQ-UBTVQH quyết nghị thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính gồm Trưởng ban là ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Liên Hương là Phó Trưởng ban soạn thảo; 15 Ủy viên Ban soạn thảo.
Nghị quyết giao Ban soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo, thành viên Ban soạn tháo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ban soạn thảo ban hành Quy chế làm việc và hoạt động theo Quy chế. Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính được sử dụng con dấu riêng, kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong quá trình soạn thảo dự án luật…
Tiếp đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí công bố Quyết định của Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính về thành lập Tổ biên tập dự án Luật chuyển đổi giới tính. Theo đó, Tổ trưởng Tổ biên tập là ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng ban soạn thảo; bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Tổ phó và 14 Ủy viên Tổ biên tập. Tổ biên tập có nhiệm vụ giúp ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính, các tài liệu khác theo quy định của pháp luật và tổ chức triển khai việc lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án luật.
Tại Phiên họp thứ nhất, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo và Đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trước khi ban hành.
Đa số ý kiến cơ bản tán thành với các nội dung về Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo, Đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính; các ý kiến đánh giá cao đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nhưng do dự án luật có đặc thù với thành phần tham gia rộng, thuộc nhiều cơ quan, đơn vị; đề nghị Trưởng Ban soạn thảo phân công rõ hơn về trách nhiệm của từng thành viên phụ trách của các bộ, ngành, đơn vị mình phụ trách, chế độ báo cáo, tiến độ cụ thể; trách nhiệm của bộ phận thường trực của Ban soạn thảo… để đảm bảo tính thống nhất, hoàn thiện hồ sơ trình. Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng thể hiện rõ trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao đã được phân công theo quy định.
Các ý kiến tại Phiên họp đánh giá cao các kế hoạch đã nêu các thời gian cụ thể hoàn thành các công việc theo tiến độ trong việc tổ chức nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, tọa đàm, tổ chức lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự án luật. Một số ý kiến đóng góp điều chỉnh một số mốc thời gian thực hiện Kế hoạch soạn thảo, tạo điều kiện cho các thành viên Ban soạn thảo và Tổ soạn thảo tham gia vào các hoạt động của quá trình xây dựng dự án luật. Trong quá trình tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm cần hướng tới việc lấy ý kiến hoàn thiện từng quy định cụ thể của dự án luật.
Bài viết và ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội (Theo dõi bài gốc dưới tại ĐÂY)