[KÝ SỰ HOA TRONG GƯƠNG] CÂU CHUYỆN SỐ 2: VỊT “HOÁ” THIÊN NGA?
Khi nhớ về cuộc trò chuyện cùng chị Vịt, không hiểu sao tôi luôn liên tưởng đến màu vàng của nắng – lấp lánh và ấm áp. Có lẽ đây là sắc màu thể hiện rõ nhất cho sự can trường và cả tình yêu thương mà tôi tìm được nơi chị. Chị kể cho anh Quốc Anh và tôi về quãng thời gian bị coi như vô hình ở công ty đầu tiên, chị kể về sự nhạy cảm quá mức của mình khi không kiểm soát được lượng hormone hay nỗi bất lực khi bị từ chối đổi tên trên giấy tờ và niềm mong mỏi tìm được sự giúp đỡ từ các luật sư, chuyên gia tâm lý. Những nốt trầm trong bản nhạc cuộc đời của chị, chị đã mạnh mẽ vượt qua tất cả, để ngồi lại kể chúng tôi nghe.
“Vịt có hay gặp phải áp lực liên quan đến khuôn mẫu không, khi những bạn chuyển giới nữ xung quanh mình luôn theo đuổi một hình mẫu?” – Anh Quốc Anh
Chị Vịt: “Bản thân sự định giới không có ý nghĩa gì hết, vì mình sống như thế nào, mình thích thể hiện ra sao là cho bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất là ok rồi”.
Chị mỉm cười và chậm rãi kết luận như thế khi kể về hành trình khám phá bản thân. Tôi chợt nghĩ phải dũng cảm thế nào chị mới thay đổi từ một Vịt từng bám víu vào khuôn mẫu giới và lo lắng “nếu mình mặc vậy thì mọi người nhìn mình như nào”, cho đến một Vịt lựa chọn những bộ đồ không phân định rõ ràng vì thích cảm giác “ở giữa”. Giữa muôn vàn khuôn khổ được gán nhãn lên cộng đồng, phải can đảm thế nào Vịt mới dám chọn cách hiện diện của riêng mình như thế? Nhưng tôi tin rằng sự dũng cảm ấy là đáng giá, bởi có lẽ trong khoảnh khắc được là chính mình, Vịt đâu còn là một “chú vịt xấu xí” như bản thân từng nghĩ nữa mà trở thành một cô thiên nga xinh đẹp. Hay đúng hơn, bản thân chị đã luôn là một cô thiên nga rồi, chỉ có điều sau này Vịt mới nhận ra mình sở hữu đôi cánh của tự do mà thôi.
Anh Quốc Anh tiếp tục: “Vậy Vịt nghĩ sao về sự hiện diện của cộng đồng?”
Vịt nói: “Hiện diện có hai nghĩa: hiện diện một cách có hiện diện, và hiện diện một cách bình lặng. Sự hiện diện rất “hiện diện” của các bạn chuyển giới nó vừa tốt, nó vừa xấu. Tốt là hình ảnh của mọi người được bình thường hóa, người chuyển giới muốn ăn mặc như nào là quyền của họ. Nhưng mà người ta mặc định là: tụi chuyển giới nó vậy đó, hay làm quá lên, hay hát đám ma các kiểu, hay đi thi hoa hậu chuyển giới, nó không có làm được gì khác. Nên mình khá khó chịu vì bản thân làm được nhiều thứ nhưng không hiểu sao mọi người lại có định kiến: à con này là người chuyển giới, chắc nó làm vậy đó.”
Tôi thấy quý sự ấm áp và bao dung ở chị Vịt khi dù cảm thấy bản thân không giống những người chuyển giới nữ khác, chị vẫn thấu hiểu tại sao họ muốn được hiện diện như vậy – bởi các bạn không có được sự công nhận “nên nó cũng là nỗi khổ”. Vịt càng trân trọng hơn những bạn chọn cách hiện diện bình lặng, bởi họ sẽ là người đưa lên tiếng để người khác thấy là cũng có những người chuyển giới như này. Tôi cũng quý sự nhạy cảm, giàu tình thương ở Vịt khi chị băn khoăn về cộng đồng mình: “Có bao nhiêu sự đau lòng khi sử dụng hormone, IT’S T TIME có biết không?”.
Và dù khó khăn trắc trở luôn hiện diện trong đời sống của cộng đồng, nhưng chị khiến tôi nhận ra mình quên mất vẫn còn những hy vọng về tương lai khi chị cười nói: “mong rằng trong năm nay, mình sẽ trình ra được một luật chuẩn chỉnh nhất có thể, cho dù không được thông qua nhưng ít ra nó cũng là bước tiến lớn rồi”.
Kết thúc cuộc nói chuyện, tôi nhớ mãi ánh mắt lấp lánh của chị khi nhận được câu hỏi “Nếu bây giờ được giới thiệu chuyên gia, được đi đổi tên lần nữa thì Vịt có sẵn sàng đi làm không?”. Hy vọng rằng trong tương lai, Vịt cũng như anh chị em trong cộng đồng sẽ không cần chữ “nếu”, cũng không cần sự giúp đỡ của những luật sư hay chuyên gia thì mới có thể thực hiện thủ tục hộ tịch, bởi khi ấy đã có một hệ thống pháp luật bảo đảm quyền cho người chuyển giới và quyết không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bài viết: #AnhThư
Ảnh: #ĐôngPhong
#transgenderdayofvisibility #TDOV2023 #transgender
#ITSTTIME #nguoichuyengioi #hànhtrìnhđịnhgiới
#kysuHoaTrongGuong