Call Us

0977682627

KẾT QUẢ BAN ĐẦU CỦA DỰ ÁN: LỒNG GHÉP SỨC KHỎE LGBTQIA+ VÀO GIÁO DỤC NGÀNH SỨC KHỎE TẠI VIỆT NAM

🌈✨KẾT QUẢ BAN ĐẦU CỦA DỰ ÁN: LỒNG GHÉP SỨC KHỎE LGBTQIA+ VÀO GIÁO DỤC NGÀNH SỨC KHỎE TẠI VIỆT NAM ✨🌈

Chào cả nhà IT’S T TIME và bạn hữu!
Trong bầu không khí lễ lạc và cuối năm, IT’S T TIME xin được chia sẻ những thành tựu rất đáng khích lệ từ dự án “Tích hợp Sức khỏe LGBTQIA+ vào Giáo dục ngành sức khỏe tại Việt Nam.” (Giáo dục ngành sức khỏe bao gồm việc đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, phục hồi chức năng, v.v…) Đây là một dự án tập trung vào việc đào tạo các năng lực giao tiếp cơ bản và tạo ra môi trường y tế tôn trọng và thân thiện với cộng đồng LGBTQIA+, đặc biệt là cộng đồng người chuyển giới. Với sự hỗ trợ nhiệt thành của rất nhiều người, bao gồm các mạnh thường quân, các bạn sinh viên, đội ngũ giảng viên, các bạn tình nguyện viên là người chuyển giới, và đại diện IT’S T TIME, dự án đã trở thành hiện thực. Dự án đã được thực hiện từ tháng 01 đến tháng 06 năm 2023, và chương trình đào tạo đã được thực hiện tại Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
🌈 Chặng Đường Đầy Ý Nghĩa: Câu chuyện bắt đầu ở IT’S T TIME
ThS.BS. Dương Duy Khoa, đồng sáng kiến dự án, chia sẻ: Ban đầu, dự án bắt nguồn từ việc tôi nhận ra hạn chế của bản thân trong việc giao tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người thuộc cộng đồng LGBTQIA+, đặc biêt là người chuyển giới. Tôi tham gia một sự kiện cộng đồng do IT’S T TIME tổ chức (Giọt nước cành dương) và được lắng nghe câu chuyện đầy xúc động từ một người tham gia sự kiện là một người chuyển giới nam tính (trans masculine). Bạn ấy kể rằng bạn phải chọn lựa: hoặc phải đối diện với những ánh mắt phán xét hay cử chỉ ngần ngại từ các nhân viên y tế, hoặc trì hoãn đi khám sức khỏe hoàn toàn. Điều này khiến tôi nhận ra rằng đào tạo y khoa mà bản thân tôi từng nhận được hay đào tạo y tế nói chung tại Việt Nam là chưa đủ để phục vụ cộng đồng LGBTQIA+.
🌈Chúng tôi đã làm gì?
Cộng đồng LGBTQIA+ thường phải đối diện với những bất bình đẳng sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ cũng thường phải đối diện với những rào cản khi tiếp cận dịch vụ y tế, bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử và thiếu năng lực chăm sóc. Bên cạnh những vấn đề sức khỏe có phần đặc thù, việc chăm sóc sức khỏe chung cũng gặp nhiều trở ngại, điều này đặc biệt khó khăn với người chuyển giới. Tại Việt Nam, gần như không có những đào tạo về sức khỏe LGBTQIA+ được tích hợp vào chương trình đào tạo của sinh viên khối ngành sức khỏe.
Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (ĐHYD) là một trường đại học sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, đào tạo gần như toàn bộ các chuyên ngành sức khỏe và đang đi đầu trong các đổi mới về giáo dục. Module Giáo dục liên ngành (GDLN) là một module học mới, nổi bật tại trường và là module GDLN đầu tiên tại Việt Nam. GDLN là khi sinh viên thuộc từ hai ngành sức khỏe trở lên học chung với nhau, học về nhau và học từ nhau, nhằm tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng hợp tác và cải thiện kết cục sức khỏe của người bệnh và người dân. Từ 2019, Module GĐLN tại ĐHYD đã liên tục tổ chức các lớp GDLN và là một phần của chương trình học chính thức của các ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, phục hồi chức năng. Các năng lực cốt lõi của GDLN bao gồm: vai trò và trách nhiệm, giao tiếp, hợp tác và lấy người bệnh làm trung tâm; các năng lực này rất phù hợp với mục tiêu lồng ghép năng lực giao tiếp tôn trọng và thấu cảm với người LGBTQIA+.
Trong dự án này, chúng tôi đã thử nghiệm việc thiết kế, thực hiện và lượng giá một chương trình đào tạo tích hợp sức khỏe LGBTQIA+ vào module Giáo dục liên ngành. Mục tiêu là giúp cho người học có những kiến thức cơ bản về giới và giới tính, có năng lực giao tiếp tôn trọng và tế nhị, có khả năng tạo ra được một môi trường thân thiện và hiểu được những bất bình đẳng sức khỏe mà cộng đồng LGBTQIA+ gặp phải.
Chúng tôi tổ chức cho các bạn sinh viên được đọc các bài giảng online ngắn trước khi tham gia các buổi thực hành giao tiếp theo nhóm dựa trên mô phỏng. Hai tình huống mô phỏng xoay quanh một người bệnh là người chuyển giới nhập viện sau tai nạn giao thông. Bên cạnh các vấn đề chăm sóc gãy xương nội trú, các bạn sinh viên ngành sức khỏe có cơ hội giao tiếp, thực tập lắng nghe và hiểu các khó khăn trong chăm sóc y tế của người LGBTQIA+ và cùng nhau tạo nên một kế hoạch chăm sóc hữu hiệu, toàn diện và tôn trọng. Điểm đặc biệt nhất của chương trình đào tạo là có sự tham gia của các bạn tình nguyện viên là người chuyển giới đóng vai trò là người bệnh chuẩn (standardized patients) thể hiện tình huống và tham gia giảng dạy sinh viên. Việc lượng giá dựa trên quan sát trực tiếp và phản hồi từ giảng viên, đồng môn và người bệnh chuẩn nhằm mục tiêu đào tạo (formative assessment).
Các nguyên tắc hoặc phương pháp giáo dục ngành sức khỏe mà chúng tôi đã theo đuổi: đào tạo dựa trên năng lực (CBME), thiết kế đảo chiều (backward design), dạy học dựa trên trải nghiệm và phản tĩnh (experiential learning – reflection), và dựa vào cộng đồng (community-based participatory research). Trong suốt chương trình, chúng tôi tập trung vào việc tạo an toàn cho tất cả người tham dự: học viên, giảng viên và tình nguyện viên; chúng tôi cũng khuyến khích sự can đảm và đối mặt với các thiên kiến ngầm của bản thân.
🌈 Những Thành Công Ban đầu

Việc thực hiện một dự án về sức khỏe LGBTQIA+ và cố gắng lồng ghép nó vào chương trình học chính thức là một điều không dễ dàng. Nhưng chúng tôi đã làm được!
– 220 sinh viên, từ nhiều ngành bao gồm y, điều dưỡng, dược, và phục hồi chức năng đã hoàn thành chương trình học tích hợp sức khỏe LGBTQIA+ vào module GDLN tại ĐHYD vào tháng 06/2023.
– 14 giảng viên lâm sàng đã tham gia phát triển giảng viên và đã tham gia tích cực vào chương trình.
– 5 cuộc phỏng vấn đánh giá nhu cầu với đại diện cộng đồng và các chuyên gia sức khỏe (bao gồm sức khỏe tinh thần)
– 4 video bài giảng trực tuyến đã được tạo nên, với các chủ đề: các khái niệm cơ bản về giới và giới tính, bất bình đẳng sức khỏe mà cộng đồng LBTQIA+ gặp phải, giao tiếp tôn trọng và hiệu quả, tạo môi trường thân thiện.
– 2 buổi thực tập mô phỏng tại trung tâm Đào tạo Mô phỏng Lâm sàng Nâng cao, ĐHYD với sự tham gia của các tình nguyện viên là người chuyển giới
🌈 Tác Động Vượt Qua Mong Đợi
Chương trình học lồng ghép nhận được phản ứng tích cực từ sinh viên, với hầu hết các sinh viên báo cáo “hài lòng-rất hài lòng” (41% “rất hài lòng”) với chương trình học. Đa số (hơn 90%) cảm thấy cải thiện được năng lực giao tiếp với người bệnh là người LGBTQIA+. Một thành công không thể đo lường được là sự sáng tạo của các bạn sinh viên, vượt xa mong đợi để tạo ra môi trường chào đón cho bệnh nhân LGBTQIA+. Các bạn sinh viên đã đeo huy hiệu cờ tự hào cầu vồng (pride flag) trên áo blouse trắng, một hình ảnh hiếm thấy tại Việt Nam. Đây là những bước lượng giá đầu tiên và chúng tôi đang tiến hành phân tích các dữ liệu định tính còn lại.
🌈 Sức Mạnh Từ Cộng Đồng IT’S T TIME

Dự án này được gieo mầm từ IT’S T TIME. BS. Khoa cho rằng:
“Chìa khóa để dự án thành công là sự tham gia và đồng thực hiện bởi IT’S T TIME.” Tất cả tài liệu và cấu trúc đào tạo được thiết kế và truyền đạt sau khi được thảo luận và thông qua bởi nhóm giảng viên (đại diện là BS. Khoa) và các nhà lãnh đạo của IT’S T TIME. Chương trình có thể được coi là có nhiều đột phá và một chương trình giáo dục liên ngành đầu tiên với các buổi thực hành dựa trên mô phỏng trong đó các bệnh nhân chuẩn được các bạn tình nguyện viên là người chuyển giới đảm nhiệm. Các bạn sinh viên có cơ hội được tiếp xúc và lắng nghe chia sẻ cũng như phản hồi của các bạn tình nguyện viên trans.
🌈 Hợp tác giữa tổ chức cộng đồng và cơ sở đào tạo chuyên ngành
Dự án nhỏ này cũng là một điều khích lệ cho sự hợp tác giữa các tổ chức cộng đồng và cơ sở chuyên môn cùng hợp tác vì sức khỏe của các cộng đồng thiểu số, ở đây là cộng đồng người chuyển giới và cộng đồng LGBTQIA+. Các kiến thức chuyên môn đến từ các khuyến cáo có thể không được chuyển tải phù hợp và thiết thực với các trải nghiệm sống của các thành viên cộng đồng. Việc thích ứng văn hóa và bối cảnh đòi hỏi cần phải đồng thực hiện, đồng sáng tạo.
Trong buổi họp nhìn lại dự án với các bạn tình nguyện viên, các bạn chia sẻ rằng các bạn cảm thấy câu chuyện của các bạn được lắng nghe và các bạn đang thấy mình trực tiếp tham gia vào việc cải thiện sức khỏe của bản thân và cộng đồng thông qua việc đào tạo nhân viên y tế tương lai. Các bạn còn chia sẻ rằng cảm thấy có nhiều hy vọng vào ngành y tế khi thấy các bạn sinh viên chân thành, lắng nghe và mong muốn học hỏi và sửa sai. Đây có vẻ là những điều mà IT’S T TIME cũng như đội ngũ giảng viên thấy hạnh phúc nhất.
🌈 Các bước tiếp theo của dự án

Các bước tiếp theo của chúng tôi là phân tích kết quả đánh giá, tiến hành đánh giá theo dõi về hành vi sinh viên và truyền đạt những kết quả và phát hiện của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng và tin rằng thành công từ dự án giáo dục nhỏ này có thể là cơ sở để thực hiện những dự án khác dựa trên sự hợp tác của cộng đồng và giới chuyên môn trong tương lai
🌈 Lời Kết và Chúc Mừng Năm Mới
Những thay đổi tích cực mà chúng tôi đã chứng kiến trong dự án nhỏ này không thể có được nếu thiếu sự hỗ trợ của tất cả những người tham gia:
– Các mạnh thường quân
– Các chuyên gia và đại diện cộng đồng
– Các bạn sinh viên và các thầy cô giảng viên
– Các bạn tình nguyện viên
– Đại diện tổ chức IT’S T TIME
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về kết quả cuối cùng của dự án, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng tích cực cùng với các bạn.
Chúng tôi mong rằng khoảng thời gian cuối năm này sẽ mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc. Chúng tôi cũng chúc bạn một năm mới an lành, tràn đầy cơ hội mới, thành công liên tục và đạt được những ước mơ.
Tin cậy và biết ơn,
IT’S T TIME và các thầy cô của Module Giáo dục liên ngành

Add a Comment

Your email address will not be published.