Call Us

0977682627

“ĐƯỢC TÔN TRỌNG ĐÚNG NHƯ NHỮNG GÌ MÌNH CẢM NHẬN”

“Dần dần, mình cũng không còn quá cứng nhắc về chuyện phải như thế nào mới là nam, mới là nữ nữa, vì những đặc điểm được cho là dành cho giới này vào thời điểm này lại là dành cho giới khác vào mốc thời gian khác. Tất cả đều là được đặt ra mà thôi. Mình chỉ cần cảm thấy mình là một người nam, thế là đủ. Và mình rất vui khi được người khác gọi đúng tên và danh xưng mong muốn, cũng như lắng nghe những trải nghiệm về giới của bản thân. Đơn giản là mình thấy được tôn trọng đúng như những gì mình cảm nhận.”

 

Từ khi mình còn nhỏ, trong nhận thức của mình hình ảnh người nữ đã luôn được mọi người xung quanh mặc định là nhẹ nhàng, duyên dáng, nữ tính. Bản thân mình không khớp vào khuôn đó nên mình cũng ít khi nhìn nhận bản thân là nữ, hoặc nếu có nhìn nhận mình là nữ thì sẽ là kiểu nữ “mạnh mẽ”. Mình thích các hình tượng nhân vật nữ mạnh mẽ, cá tính hoặc các nhân vật nam vì mình cho rằng đó là hình mẫu nam tính và là chuẩn mực để noi theo. Mình cũng nhìn thấy xung quanh mình người nam luôn có tiếng nói hơn và dường như luôn “đúng đắn hơn”. 

Càng lớn mình càng ghét những đặc điểm trên cơ thể nữ của mình như việc có ngực, có kinh nguyệt, thấp hơn con trai cùng lớp,.. Mình đã cố gắng tỏ ra mình nam tính nhất có thể (bây giờ mình cũng thấy buồn cười vì trong đó có những việc xã hội thường mặc định là nam giới thì sẽ/nên làm thế, dù thực ra nó chẳng hay ho gì vì nó vừa sexist (phân biệt giới tính) vừa là kiểu nam tính độc hại). Tuy nhiên quãng thời gian này mình vẫn nghĩ rằng mình là con gái, chỉ là mình khác so với những người nữ quanh mình thôi.

Lần đầu mình biết yêu là năm lớp 10. Khi đó mình yêu một bạn nữ. Ban đầu mình nghĩ mình là lesbian, cho đến khi tự mình tìm hiểu trên facebook và quen những người bạn khác cũng là LGBTQ+ thì mình mới biết đến khái niệm chuyển giới nam là gì. Đấy là lần đầu tiên mình cảm thấy có một từ miêu tả chính xác mình là ai và cảm nhận về bản thân như thế nào. Gần đây thì mình nhận ra có lẽ mình cũng có cảm xúc với nam nữa, bên cạnh việc mình yêu nữ. Tuy nhiên, dần dần, mình cũng không còn quá cứng nhắc về chuyện phải như thế nào mới là nam, mới là nữ nữa, vì những đặc điểm được cho là dành cho giới này vào thời điểm này lại là dành cho giới khác vào mốc thời gian khác. Tất cả đều là được đặt ra mà thôi. Mình chỉ cần cảm thấy mình là một người nam, thế là đủ. Và mình rất vui khi được người khác gọi đúng tên và danh xưng mong muốn, cũng như lắng nghe những trải nghiệm về giới của bản thân. Đơn giản là mình thấy được tôn trọng đúng như những gì mình cảm nhận.

 

Chia sẻ của Long về Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính:

Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi (có hiệu lực từ 2017) đã lần đầu nhắc đến người chuyển giới, nhưng sau 8 năm vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về việc chuyển đổi giới tính cả về mặt can thiệp y học lẫn thủ tục pháp lý. Mình cảm thấy sốt ruột và buồn khi thấy nhiều người chuyển giới xung quanh mình vẫn gặp rắc rối khi đổi giới tính trên giấy tờ. Bản thân mình cũng lo lắng là đến một ngày mình có nguyện vọng thay đổi nhưng vẫn không có luật để bảo vệ thì không biết làm thế nào cả.

Mình phân vân rất nhiều. Mình rất muốn bộ luật được ban hành càng sớm càng tốt để có thể bảo vệ được nhiều người chuyển giới hơn, cũng như nâng cao mức độ hiện diện của người chuyển giới trong xã hội, nhưng có lẽ an toàn nhất là khi người dân đã hiểu biết hơn và có cái nhìn thiện cảm hơn với người chuyển giới. Điều mình lo ngại nhất là nếu một dự luật được thông qua nhưng người phản đối quá nhiều thì có gây nguy hiểm cho chính người chuyển giới không. Mình cũng phân vân về chuyện có nên chấp nhận các điều khoản như bắt can thiệp hiện tại để được thông qua hay không nữa, vì dù đúng là chúng vẫn hỗ trợ được cho một nhóm người chuyển giới và dễ được thông qua hơn, nhưng thời gian sửa đổi luật mình nghĩ sẽ tiêu tốn tiền bạc, công sức và sẽ rất dài.

Với các quy định cụ thể của dự thảo luật, mình có một số mong muốn như sau: 

“- Về yêu cầu bắt buộc can thiệp y tế: Bỏ quy định này. Người chuyển giới là những người có nhận dạng giới khác với giới tính sinh học lúc sinh chứ không nhất thiết là người đã qua can thiệp. Việc giữ yêu cầu này sẽ khiến người dân củng cố suy nghĩ người chuyển giới là phải có can thiệp y tế, đồng thời loại trừ những người chuyển giới không có điều kiện sức khoẻ và kinh tế. (Trong trường hợp bắt buộc can thiệp: không yêu cầu can thiệp toàn phần)

– Cần có điều luật dành cho những người đã can thiệp ở nước ngoài để tạo điều kiện cho họ được hưởng quyền lợi như người can thiệp trong nước (được công nhận, đổi tên,…)

– Vẫn công nhận những người đã can thiệp định giới trước thời điểm luật có hiệu lực.

– Không cần sống thử. Nếu có yêu cầu sống thử thì có gì về mặt pháp lý (như giấy của cơ quan xác nhận,…) đảm bảo cho cá nhân đó có thể tiếp cận các dịch vụ và làm các công việc khác trong khi vẫn được công nhận và hưởng quyền lợi (nếu có) của giới mà mình cảm nhận?

– Không cần phải độc thân để công nhận là người chuyển giới, tuy nhiên điều này sẽ mâu thuẫn với Luật Hôn nhân & Gia đình hiện nay không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Mình mong là luật sẽ sớm thay đổi để tạo điều kiện cho nhiều người chuyển giới hơn.

– Bỏ hội đồng. Không cần đến một hội đồng làm việc đến 6 tháng và lấy biểu quyết để quyết định quyền chuyển đổi giới tính của một cá nhân khi đó là cảm nhận tự thân. Không ai có thể hiểu mình rõ hơn bản thân người đó. Biểu quyết như vậy chỉ khiến quyền tự quyết của công dân bị phụ thuộc vào người khác. Ngoài ra nếu lập ra hội đồng mỗi khi công dân nộp đơn thì không đảm bảo được đủ nhân lực cần thiết khi ở các khu vực vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực có điều kiện khó khăn.

– Độ tuổi phù hợp cho sử dụng hormone và can thiệp phẫu thuật định giới là 18.”

#TờA4 #Batdaucohau

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã chính thức được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến người dân. Đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng người chuyển giới và toàn xã hội đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng Luật. Bạn có thể đóng góp cho Dự thảo tại đây: https://forms.gle/oMYDbEzTFPUyipW38 

Add a Comment

Your email address will not be published.