Call Us

0977682627

ĐỊNH GIỚI KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG BƯỚC ẢNH “TRƯỚC” – “SAU”

(!) Chuỗi bài viết chào mừng ngày 31/03 – ngày hiện diện của cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới
——-
“Thỉnh thoảng, nhìn mình trong gương, tôi lại nhìn thấy một người xa lạ nào đấy. Chẳng phải mình”.

Thực tế này vẫn thường xuyên lặp đi, lặp lại.

Trong bảy năm sử dụng testosterone (*), tôi từng nghĩ đáng ra mình sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi ngày nhìn vào gương và thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình. 30 năm trước khi quyết định sử dụng thuốc, cảm giác bức bối thường trực bám lấy mỗi ngày, dồn nén tới khó thở cho tới ngày tôi chọn định giới. Khi bắt gặp người đàn ông râu ria trong gương, cảm giác thân thuộc và thanh thản tràn ngập hồn tôi. Nhưng có những ngày thật lạ, sau một hồi bươn chải, khi về tới nhà và nhìn thật lâu trong gương, tôi bất chợt tự nhủ “thằng quái nào đang nhìn chằm chằm mình vậy?”.

Tôi chọn nói ra tâm sự này vì không biết tự bao giờ, tôi đã hỏi mình rằng vì lý gì mà mình phải đóng khung cơ thể, bản dạng vào ranh giới của “trước” và “sau”; chúng có quyền lực gì mà chi phối cuộc đời mình nhiều đến vậy. Việc “passing” – được đối xử và nhìn nhận như một người đàn ông hợp giới – khiến tôi luôn ở trong cảm giác “sai sai”, vì người ta thường đưa ra những phán xét rất vôi vàng dù chỉ mới lướt qua người đối diện mình. Đối với cá nhân mình, tôi nghĩ phải nỗ lực rất nhiều và vượt qua muôn vàn khó khăn mới có được thân hình cơ bắp và giọng nói trầm – nhưng những yếu tố này lại không làm lắng dịu những mâu thuẫn nội tâm của chính mình, để cảm thấy bình an hơn, tôi chọn nhìn nhận bản thân trong một tổng hoà của cả một hành trình dài của rất nhiều cuộc đời mình đã từng đi qua thay vì sống như một người đàn ông trong hiện tại chỉ để đoạn tuyệt với quá khứ.

Sẽ thật tuyệt vời biết bao nếu như định giới luôn là một đích đến rõ ràng, chúng ta cứ đi thẳng tới đích mà không phải mảy may đối mặt với một thực tế đáng sợ: rằng cuộc sống luôn ẩn chứa một chuỗi những thay đổi liên tục, phần mới ở bản thân mà ta chỉ vừa khám phá cũng sẽ phân tách để rồi hợp nhất bền vững trong suốt quá trình này. Những khoảnh khắc yên lặng nhỏ bé của hành trình định giới không phải là tất yếu, cũng chẳng phải là vạch đích cuối của một chặng đường mà chính là sự phát triển của chúng ta xuyên suốt trải nghiệm này.

Một câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được trong các email là:

“Vậy khi nào quá trình định giới mới kết thúc? Và những người chuyển giới như chúng ta hay những người đa dạng giới vượt xa ngoài khuôn khổ, chuẩn mực thông thường của xã hội, không thể chỉ được định dạng qua những bước ảnh TRƯỚC (BEFORE) – SAU (AFTER)” sẽ ra sao?”

Để trả lời câu hỏi lớn này, tôi đã suy tư lại quan niệm của bản thân về giai đoạn “SAU”. Truyền thông đã tạo nên những diễn ngôn và hình ảnh “tích cực” về cơ thể người chuyển giới dựa trên phép ẩn dụ phổ biến “TRƯỚC” – “SAU”, và đó là lý do tại sao tôi quyết định ngừng cung cấp những bức ảnh trước đây của mình. Việc ấy thực sự kinh khủng, vì nó chính là lời ám chỉ rằng: “Hãy nhìn anh trai kia thành công thế nào trong nỗ lực PASSING này!”. Trong cộng đồng người chuyển giới, những bức ảnh “TRƯỚC” – “SAU” được truyền tai và nói với nhau như một hành vi cổ vũ hay là một cách để ăn mừng rằng bạn hay họ đã đang ở bước đầu của hành trình, và sau đấy sẽ luôn là tương lai tươi sáng, hay trái ngọt hứa hẹn.

Đối với nhiều người chúng tôi, chính những bức ảnh này đã vô tình đẩy “PASSING” trở thành mục tiêu cốt yếu, duy nhất và đáng buồn hơn thậm chí là cuối cùng. Trên hành trình ấy, chỉ còn là áp lực phải thích nghi và tuân theo những kỳ vọng về giới mà dù chúng tôi không đồng tình, nhưng vẫn phải gắng gượng để tiếp tục “được thưởng” bởi cơn mưa lời khen tặng vì mình đã nỗ lực “xé kén hoá bướm”, trên mảnh đất này, giá trị thực sự là sự đa dạng để sống với bản dạng, thể hiện của bản thân hoàn toàn bị gạt ra bên lề. Ý niệm rằng giới của một người chỉ được quy định bởi hai cực của nhị nguyên NAM và NỮ đã khiến cho hành trình định giới của người chuyển giới đơn thuần chỉ một đường thẳng từ cực này qua cực kia, nhanh chóng tới tàn nhẫn. Và sự ảo tưởng và nỗi bất an phải luôn tìm kiếm những “bằng chứng” để chứng tỏ, thể hiện vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt.

Và bạn biết không, dù thế nào thì bản thể của mỗi cá nhân và hành trình định giới của mỗi người lại là một thưc tế đa dạng của đời sống, là sự màu nhiệm sẽ luôn biến đổi và mở rộng, đòi hỏi chúng ta phải đối mặt, đi kèm những thách thức vốn có tới từ hệ quan điểm chi phối của nhị nguyên giới. BẠN CỦA TÔI, bạn sẽ không cô đơn trên hành trình này. Chúng ta đều nợ bạn, nợ bản thân mình việc làm thế nào để chúng ta hiện diện trọn vẹn hơn từ chính SỰ ĐA DẠNG TUYỆT VỜI của mình.

Lược dịch: #AnhThư
Ảnh và biên tập: #ĐôngPhong
Nguồn: http://bit.ly/3YZcmK6

#transgenderdayofvisibility #TDOV2023 #transgender
#ITSTTIME #nguoichuyengioi #hànhtrìnhđịnhgiới

(!) Giải thích thuật ngữ: Nguồn: https://www.thuvien.lgbt/

🏳️‍⚧️🏳️‍🌈 Người chuyển giới nữ: là người chuyển giới nhận mình là nữ (sinh ra là nam và nhận mình là nữ). Người chuyển giới nữ có thể được viết tắt là MtF (Male to Female), các thuật ngữ Tiếng Anh phổ biến là trans girl, trans woman.

🏳️‍⚧️🏳️‍🌈Người chuyển giới nam: là người chuyển giới nhận mình là nam (sinh ra là nữ và nhận mình là nam). Người chuyển giới nam có thể được viết tắt là FtM (Female to Male). Các thuật ngữ tiếng Anh phổ biến là trans man, transguy.

🏳️‍⚧️🏳️‍🌈Người hợp giới (cisgender, cismale, ciswoman): là thuật ngữ để chỉ người không phải là người chuyển giới; tức là bản dạng giới và giới tính khi sinh ra của họ thống nhất với nhau.

🏳️‍⚧️🏳️‍🌈Hành trình định giới (“quá trình chuyển giới” – cách dịch cũ) là quá trình mà nhiều, không phải tất cả, người chuyển giới sẽ trải qua để sống đúng với bản dạng giới của mình. Quá trình này bao gồm việc thay đổi thể hiện giới, như là ngoại hình bên ngoài, quần áo, cử chỉ, hay tên gọi thường ngày dùng trong giao tiếp. Những loại thay đổi này thường được gọi là “chuyển đổi (về mặt) xã
hội.” Quá trình chuyển đổi cũng có thể bao gồm các can thiệp y sinh học và phẫu thuật để giúp cơ thể của một người thống nhất với bản dạng giới của họ. Các thay đổi này thường được gọi là “chuyển đổi (về mặt) y tế” và có thể bao gồm liệu pháp hoóc-môn nam hóa hay nữ hóa và/hoặc phẫu thuật.Đây là một hành trình không giống nhau đối với mỗi người. Nhiều người chuyển giới sẽ cho rằng quá trình chuyển đổi bắt đầu tính từ khi công khai sống với bản dạng giới mà mình mong muốn. Một vài người khác có thể cho rằng quá trình này bắt đầu từ khi thực hiện các can thiệp về y tế.

Add a Comment

Your email address will not be published.