Call Us

0977682627

CETD: KỲ THỊ, KỲ THỊ KÉP VÀ LIÊN TẦNG KỲ THỊ 

[IT’S T TIME x NOHS]

⁉️ KỲ THỊ, KỲ THỊ KÉP VÀ LIÊN TẦNG KỲ THỊ 🆘

❓ Kỳ thị là gì?

Theo định nghĩa của UNAIDS về kỳ thị, kỳ thị là một quá trình làm giảm giá trị của một cá nhân hay một nhóm người dưới mắt của những người khác. Trong một nền văn hóa hoặc một bối cảnh cụ thể, một số đặc tính nhất định bị coi là lệch khỏi chuẩn mực chung, do đó đáng xấu hổ hoặc đáng bị coi thường. Kỳ thị có thể dẫn tới phân biệt đối xử khi nó thể hiện thành hành động và đó có thể là bất kỳ một hành vi phân tách, loại bỏ hay hạn chế những cá nhân bị kỳ thị.

❓ Kỳ thị kép là gì?

Kỳ thị kép (double discrimination) là khi có nhiều hình thức phân biệt đối xử nhắm vào một cá nhân. Điều này có thể xảy ra do chủng tộc, tôn giáo, giới tính hoặc xu hướng tính dục của một người. Đôi khi, ngay cả rào cản về tầng lớp kinh tế và ngôn ngữ cũng có thể góp phần tạo ra sự kỳ thị kép. Ví dụ như, phụ nữ da màu thường phải chịu kỳ thị kép, tức là họ vừa chịu định kiến giới vừa chịu định kiến về màu da. So với phụ nữ da trắng, phụ nữ da màu nhận được ít sự hỗ trợ hơn từ quản lý của họ, có cơ hội tiếp xúc ít hơn với lãnh đạo cấp cao, và được đề bạt chậm hơn. Kết quả là họ không được đại diện đầy đủ trong mô hình nhân sự của công ty vì bị xếp sau đàn ông da trắng, phụ nữ da trắng và đàn ông da màu.

Điều tương tự xảy ra cho nữ giới thuộc nhóm LGBTQIA+. Nghiên cứu cho thấy rằng người đồng tính nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc hơn phụ nữ nói chung, vì họ vừa phải chịu định kiến về giới vừa chịu định kiến về xu hướng tính dục.

Sự kỳ thị kép có thể khiến thanh thiếu niên khó tìm được sự hỗ trợ và điều trị hơn vì các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể thiếu các công cụ để liên lạc phù hợp với họ. Cảm giác bị cô lập này đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và gia đình có thể khiến tình trạng của họ trở nên phức tạp hơn và thậm chí dẫn đến thêm cảm giác trầm cảm, lo lắng, tự ti.

❓ Liên tầng kỳ thị là gì?

Việc các dạng định kiến khác nhau kết hợp và đan xen lại với nhau được gọi là tính liên tầng trong kỳ thị. Hãy thử tưởng tượng tác động gộp của việc ai đó vừa là người da đen, người Hồi Giáo, nhập cư và là phụ nữ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mang trên mình từ 3 yếu tố bản dạng bị lề hóa trở lên thường cảm thấy rằng họ không thuộc về một nơi nào cả. Việc chúng ta có ý thức về các dạng định kiến mà người khác phải chịu, cũng như sự cam kết với sự công bằng-bình đẳng là một điều cần cấp bách thực hiện.

Sự liên tầng không phải là định nghĩa từng nhóm người là “nạn nhân” mà là nhận biết được làm thế nào mà sự phân tầng của chủng tộc, địa vị, giới tính, khuyết tật và tình dục tạo ra sự bất bình đẳng về kết cấu trong những nhóm người nhất định.

Một minh chứng cụ thể cho sự kỳ thị kép: Ai cũng biết rằng cả cộng đồng LGBTQIA+ và người khuyết tật đều phải đối mặt với sự thiên vị đáng kể. Ngoài tỷ lệ tự tử tăng cao, cả hai cộng đồng đều có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao hơn so với dân số nói chung. Có lý do cho rằng những người sở hữu nhiều danh tính bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ gặp phải sự phân biệt đối xử thường xuyên hơn so với những người cùng lứa tuổi chỉ sở hữu một danh tính, dẫn đến kết quả tồi tệ hơn trên diện rộng. Nghiên cứu từ Đại học La Trobe (Melbourne) cho thấy: Những người LGBTQIA+ khuyết tật phải đối mặt với nhiều sự kỳ thị do thù ghét và bị cô lập về mặt xã hội hơn những người chỉ là LGBTQIA+ hoặc chỉ bị khuyết tật. Các mô hình áp bức xen kẽ thừa nhận rằng những người bị gạt ra ngoài lề xã hội không chỉ phải đối mặt với từng loại phân biệt đối xử một cách riêng biệt mà còn phải đối mặt với sự liên tầng kỳ thị. Bởi vì có nhiều loại khuyết tật khác nhau, cũng như nhiều danh tính khác nhau trong phạm vi cộng đồng LGBTQIA+, nên những cách mà cộng đồng LGBTQIA+ khuyết tật có thể gặp phải sự phân biệt đối xử kép sẽ khác nhau tùy theo danh tính và điều kiện cụ thể của họ.

Sự kỳ thị không giới hạn ở giới tính. Mọi người cũng có thể gặp phải nhiều thành kiến do chủng tộc, xu hướng tính dục, khuyết tật hoặc các khía cạnh khác trong danh tính của họ. Biết về sự kỳ thị giúp chúng ta nắm rõ được nguyên nhân, từ đó có thể nâng cao năng lực, phát triển và nỗ lực hướng tới cuộc sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

🏳️‍⚧️ LÀM GÌ ĐỂ ĐẤU TRANH VỚI KỲ THỊ KÉP VÀ LIÊN TẦNG KỲ THỊ?

Hiểu về kỳ thị kép và liên tầng kỳ thị là bước đầu trong hành trình thách thức sự bất bình đẳng trong hệ thống mà chúng ta đang sống. Điều này giúp nhận thức được đúng đắn những biểu hiện và tác động tiêu cực của nó, từ đó hình thành được khả năng chống lại, giải quyết được những hoang mang, lo lắng khi gặp phải cũng như tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời.

Tiếp đó, Sự liên tầng (intersectionality) – một yếu tố quan trọng trong trong việc đấu tranh chống PBDX. Xét tới tính liên tầng có thể giúp chúng ta nhận thức và thành thật với đặc quyền của chính mình. Bằng cách đó chúng ta có thể có hành động thiết thực để lên án về bất công. Chúng ta có nhiệm vụ phải nhìn nhận con người là con người, chứ không phải là một hạng mục đơn lẻ trong một danh sách để chọn. Và ở đâu có sự bất bình đẳng về quyền lực dẫn đến làm hại người khác, chúng ta phải nêu ra được không chỉ là một khía cạnh của sự mất cân bằng đó mà là cả một chuỗi liên kết của vấn đề.

Vượt qua kỳ thị không đơn giản là hành trình chỉ của riêng một cá nhân mà cần có sự đồng hành và thay đổi liên cá nhân và sự thay đổi về mặt hệ thống rộng hơn. Nếu chúng ta đứng lên và trở thành một phần của quá trình giải quyết thì chìa khóa đầu tiên chính là cần thực sự biết lắng nghe và sẵn lòng lên tiếng.

Hãy cùng “Chào ‘em’ tôi đây” học hỏi để nhận biết và bắt đầu hành động để tạo nên một hiện tại – tương lai, nơi sự đa dạng được tôn trọng và ấp ôm!
———–
🏳️‍🌈 CHÀO “EM”, TÔI ĐÂY – ẤP ÔM EM, ẤP ÔM ĐA DẠNG 🏳️‍🌈

Chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới, SOGIESC và kỹ năng đối mặt với tự kỳ thị, phân biệt đối xử đồng kiến tạo và triển khai bởi IT’S T TIME và Mạng lưới Sinh viên Khối ngành Sức khỏe Việt Nam – NOHS / IFMSA Vietnam nằm trong khuôn khổ Quỹ sáng kiến thúc đẩy không phân biệt đối xử – AND của Viện iSEE.

Add a Comment

Your email address will not be published.