CETD: THỬ HIỂU “TÔI KHÔNG KÌ THỊ ĐÂU NHƯNG…” QUA MỘT LĂNG KÍNH KHÁC
[IT’S T TIME x Mạng lưới Sinh viên Khối ngành Sức khỏe Việt Nam – NOHS / IFMSA Vietnam]
THỬ HIỂU “TÔI KHÔNG KÌ THỊ ĐÂU NHƯNG…” QUA MỘT LĂNG KÍNH KHÁC
“𝑻𝒐̂𝒊 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒌𝒊̀ 𝒕𝒉𝒊̣ đ𝒂̂𝒖 𝒏𝒉𝒖̛𝒏𝒈…”
“Tôi không kì thị đâu nhưng…” có lẽ là câu nói gây “ám ảnh” với nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBTQIA+. “Tôi không kì thị đâu nhưng…” và phía sau “nhưng” là những nhận định “kì thị rõ” khiến chúng ta ngao ngán, khó chịu, kiểu như:
“Tôi không kì thị đâu nhưng sao người LGBTIAQ+ cứ phải đấu tranh đòi quyền này nọ mãi thế?”
“Tôi không kì thị đâu nhưng bạn có thể sống bình thường như bao người khác được mà”
“Tôi không kì thị đâu nhưng bạn có thể bớt ẻo lả và ăn mặc lòe loẹt được không?”
…v.v
Hãy thử cùng chúng mình nhìn những nhận định kiểu “Tôi không kì thị đâu nhưng…” qua lăng kính của giao tiếp phi bạo lực và nữ quyền luận để có thể tìm được một không gian nào đó để mở ra sự hiểu giữa hai bên.
Đầu tiên, có thể những câu nói ấy không hoàn toàn có mục đích công kích ta mà nó phản ánh một phần cảm giác tò mò, sợ hãi, bất an ở phía người nói. Có thể, người kia biết và ý thức rằng, kì thị là một hành vi “có hại” và không được chấp nhận trong bối cảnh xã hội hiện đại và chính họ cũng không thể chấp nhận việc bản thân thành một người kì thị người khác (và bị người khác kì thị) nhưng cũng thấy bất an, băn khoăn và có thể là sợ hãi trước những trải nghiệm khác với những hiểu biết và trải nghiệm thông thường của họ. Khi thử đặt mình ở vị trí người nói, có thể trong nhiều trường hợp, ta nhận ra rằng phía sau câu nói nước đôi này có thể là nhu cầu được rõ ràng – muốn hiểu thêm về một trải nghiệm mới mẻ với bản thân mình và nhu cầu an toàn, tự do.
Bàn thêm một chút về nhu cầu an toàn, tự do trong bối cảnh này. Chúng ta được nuôi dưỡng trong một thế giới nơi mà niềm tin nhị nguyên rằng chỉ có giới nam – nữ hay tình yêu nam – nữ mới là “bình thường”, là “chuẩn” còn hằn sâu trong cấu trúc xã hội. Trong thế giới ta sống, những điều khác biệt, “lệch chuẩn” bị trừng phạt và quyền lợi của những nhóm thiểu số bị “tước đoạt” bởi sự khác chuẩn của họ. Bình thường = an toàn, được chấp nhận, được yên thân; Khác = trừng phạt, không được chấp nhận, phải chỉnh đốn. Những câu nói này có quen thuộc với bạn: “không nghe lời là hư” ,”không ngoan là ăn đòn…”, “phải như thế này mới đúng” , “thế kia là sai rồi”, “chỉnh lại…đi”, “đừng như nó…”…v.v? Những trải nghiệm “khác” đem lại nỗi sợ, bất an bởi ta được nuôi dưỡng để tuân phục những chuẩn mực và sẽ bị trừng phạt theo nhiều cách khi làm khác đi.
Những nỗi sợ, định kiến khiến ta quên rằng: dù xu hướng tính dục, bản dạng giới, màu da…khác nhau, chúng ta đều có những nhu cầu phổ quát giống nhau. Người LGBTIAQ+ cũng như những con người khác, đều có nhu cầu an toàn, tự do, yêu thương,… Cũng phải nói thêm, người LGBTIAQ+ đang không đấu tranh đòi thêm quyền nào mới hay đặc quyền nào cả, cũng không thách thức số đông hay đe dọa đến an toàn và tự do của ai… Trong một bài viết, tác giả Lương Thế Huy có một phần chia sẻ mà chúng mình thấy rất xác đáng:
“Trong mắt nhiều người, họ là kẻ gây rắc rối, cố gắng thách thức số đông, đòi hỏi quyền lợi dành riêng cho mình, thậm chí đang làm xói mòn giá trị truyền thống Việt Nam.
Những vấn đề mà người LGBT đang mong muốn được thừa nhận trong pháp luật, thật ra nó không “ăn lẹm” một chút nào vào cái tự do mà những người còn lại đang có. Không ai mất gì hay phải làm thêm gì, nếu có chăng là những bất tiện nhỏ khi bạn định nói một điều gì đó định kiến, hay phải chậm lại một chút khi định có một hành động kỳ thị. Nó trao thêm tự do mà những người LGBT chưa có: được sống là chính mình, yêu người mình yêu, và vì vậy cái tổng tự do của toàn xã hội tăng lên. Thứ tự do duy nhất sẽ mất đi đó là tự do phân biệt đối xử, tự do thù ghét.”
Còn một điều khác nữa mà có thể nhiều người trong chúng ta cần được nhắc lại: sự khác biệt, đa dạng là một phần của sự sống.
“Tôi không kì thị đâu nhưng tôi muốn được hiểu thêm về…”
Trở lại với những nhận định nước đôi kiểu “Tôi không kì thị đâu nhưng…”. Theo một cách nào đó, những người nói ra mệnh đề nước đôi này đang trong một quá trình chuyển giao giữa kì thị và không kì thị (hoặc bớt đi kì thị). Câu nói vẫn mang màu sắc kì thị song dường như đối phương đã và đang cố gắng để tránh gây tổn thương cho người nghe bằng cách rào trước “tôi không kì thị đâu”. Nhưng có vẻ họ chưa biết phải xử lý như thế nào và còn nhiều băn khoăn, bất an do thiếu sự hiểu. Những điều nằm sau “nhưng”… là cơ hội và chủ đề mà chúng ta có thể cùng họ thảo luận đào sâu để cả hai cùng hiểu nhau hơn.
Ngoài ra, nhiều người còn có sự vụng về trong cách diễn đạt nhưng thật tâm vẫn muốn hiểu hơn về ta. Vì vậy, việc cởi mở giao tiếp là một điều quan trọng trong tiến trình này. Trước khi “xanh lá” ai đó vì họ nói ra mệnh đề trên, ta có thể thử mở lòng lắng nghe đối phương, cho cả hai cơ hội hiểu thêm về nhau. Hãy thử hỏi đối phương xem họ mong muốn gì khi nói ra điều đó, có điều gì khiến họ nghĩ vậy…thông qua những câu hỏi mở và trả lời, phản hồi với sự chân thành, hòa ái qua trải nghiệm chân thật và hiểu biết của mình. Nếu cảm thấy cuộc trao đổi của cả hai đang đi theo chiều tích cực, đó là tín hiệu đáng mừng vì bạn đang chuẩn bị tìm được thêm cho mình một đồng minh. Còn nếu đối phương tỏ ra không tôn trọng, thiếu sự lắng nghe, có lẽ việc ta cần làm là “chạy ngay đi trước khi mọi điều dần tồi tệ hơn” để bảo vệ chính bản thân mình.
Cuối cùng, chúng mình mong rằng, một ngày nào đó thay vì những cái “nhưng…” gây mất hứng và khó chịu, chúng ta có thể nhận được những câu kiểu như: “Tôi không kì thị đâu nhưng tôi muốn được hiểu thêm về…” và mong muốn được hiểu, được kết nối chân thành từ những người đang trong quá trình làm quen và chấp nhận những điều khác biệt với họ. IT’S T TIME và NOHS tin rằng, chúng ta đều cần thêm kết nối, cần thêm bạn, bớt thù, thêm hiểu và thương trong cuộc sống của mình. Sự lắng nghe, thấu hiểu và giao tiếp dựa trên lòng trắc ẩn, tinh thần tôn trọng có thể là một trong những cách để chúng ta đến gần hơn với nhau (không có nhưng).