📄 NHỮNG KIẾP NẠN TẠI NƠI LÀM VIỆC – HỌC TẬP CỦA NGƯỜI CHUYỂN GIỚI
“Theo nghiên cứu mới nhất của iSEE (2023), có 10,5% người chuyển giới nữ bị hạn chế thăng tiến, 21,4% bị buộc mặc đồng phục không đúng mong muốn, 5,3% bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí và 11.8% người chuyển giới nam cho rằng mình thường xuyên bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm xã hội, thăm khám sức khoẻ, v.v…). Thêm vào đó, trải nghiệm bị bạn học kỳ thị và bắt nạt của nhóm chuyển giới cao nhất lên đến 46,6%, thậm chí 7,8% người chuyển giới nữ phải bỏ học giữa chừng vì bị kỳ thị và bắt nạt.”
______________
Trong những năm gần đây, nhận thức và sự chấp nhận về người chuyển giới trong xã hội tại Việt Nam đã tăng lên. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ, nhiều người chuyển giới vẫn phải đối mặt với vô vàn những thách thức đến từ việc luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn là dự luật và chờ Quốc hội xem xét và thông qua. Thiếu những hành lang pháp lý và các biện pháp bảo vệ người chuyển giới đang là thực trạng chung cho công tác bảo vệ quyền cộng đồng người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBTI+ nói chung. Một hệ quả kéo theo tất yếu là những người chuyển giới vẫn đang chịu đựng những thiệt thòi về việc thể hiện giới phù hợp với bản dạng và bất cập về tên, giới tính trong các giấy tờ tuỳ thân tại môi trường làm việc và giáo dục. Theo nghiên cứu mới nhất của iSEE (2023), có 10,5% người chuyển giới nữ bị hạn chế thăng tiến, 21,4% bị buộc mặc đồng phục không đúng mong muốn, 5,3% bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí và 11.8% người chuyển giới nam cho rằng mình thường xuyên bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm xã hội, thăm khám sức khoẻ, v.v…). Thêm vào đó, trải nghiệm bị bạn học kỳ thị và bắt nạt của nhóm chuyển giới cao nhất lên đến 46,6%, thậm chí 7,8% người chuyển giới nữ phải bỏ học giữa chừng vì bị kỳ thị và bắt nạt.
Có thể thấy những tờ A4 xuất hiện rất nhiều trong hai môi trường trên – nơi mà những căn cứ pháp lý đều gắn chặt với hợp đồng làm việc, quyết định thăng chức, sổ điểm, bảng điểm và thậm chí là bằng cấp và một số chứng nhận quan trọng khác.
Đầu tiên là việc mâu thuẫn giữa giới tính và tên gọi trên các tờ A4 mang tính pháp lý dẫn đến sự nhầm lẫn và tạo ra các phân biệt đối xử, định kiến giới, tệ hơn là chế giễu và tấn công thể chất/tâm lý tại môi trường làm việc và học tập. Điều này làm cho người chuyển giới hạn chế thể hiện giới mong muốn; từ đó bản sắc cá nhân không được bộc lộ rõ nét gây ra những tác động tiêu cực lên sức khoẻ tinh thần, thể chất, lòng tự tôn cá nhân, chất lượng và năng suất công việc/học tập giảm sút. Hơn thế nữa, nó làm ngăn cản tiến trình cố gắng hoà nhập và tiến lên của cộng đồng người chuyển giới nói riêng và cộng đồng người có những xu hướng giới thiểu số (liên giới tính hoặc phi nhị nguyên giới) nói chung.
Tiếp theo là quyền và bảo vệ pháp lý của ngưởi chuyển giới bị hạn chế. Trong Bộ Luật Bình đẳng giới 2006, tại Điều 6 Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới chỉ áp dụng cho hai giới nam và nữ. Trong khi bối cảnh người chuyển giới tại Việt Nam vẫn chưa được thay đổi giới tính trên giấy tờ nên rất khó để được pháp luật bảo vệ trọn vẹn khi có những khiếu nại hay tố cáo trong trường hợp bị đối xử phân biệt tại nơi làm việc hay bị xâm hại đến sức khoẻ thể chất hay tinh thần.
Cuối cùng và cũng chua xót nhất là việc người chuyển giới bị hạn chế khả năng học tập lên cao và thăng chức do khuôn mẫu (iSEE, 2023), định kiến đến từ xã hội và môi trường sống. Hệ quả của hạn chế sự phát triển là một yếu tố chi phối khiến người chuyển giới phải đi kiếm tiền từ sớm để trang trải cho cuộc sống cũng như các can thiệp y tế, để từng bước khớp với khuôn mẫu nhằm thoát ra khỏi sự cô lập và những ánh nhìn dị nghị.
Chung tay hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính bằng các nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác động đa chiều đến người chuyển giới nói riêng và xã hội nói chung là cách để thúc đẩy sự quan tâm của nhà nước và các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ quyền người chuyển giới sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những khó khăn đã và đang gặp phải của cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam (Restar et al., 2020).
______
Hãy cùng TỜ A4 tạo nên những BẮT ĐẦU CÓ HẬU về pháp lý cho NCG bằng cách tham gia chia sẻ câu chuyện về đời sống của bạn và các quan điểm, mong đợi của bạn với Dự thảo Luật: https://bit.ly/ToA4BanKetoinghe
__
TỜ A4 – BẮT ĐẦU CÓ HẬU
Một chiến dịch truyền thông và vận động đồng tổ chức bởi IT’S T TIME và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, là một phần của chiến dịch Tự Do và Bình Đẳng (Free & Equal) năm 2023. “Tờ A4 – Bắt đầu có hậu” hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng.
#TOA4 #BATDAUCOHAU #ITSTTIME #UN #UNDP #FreeandEqual2023
Liên hệ:
– Email: itsttime.vn@gmail.com
– Hotline: Mr. Quốc Anh – 097 768 2627