Call Us

0977682627

🏳️‍⚧️ CAN THIỆP Y HỌC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH RA SAO VÀ ĐIỀU KIỆN THẾ NÀO?

🧐 Chỉ định giới tính (Sex assignment hoặc Biological sex), tên gọi khác là Chỉ định giới (Gender assignment) là hình thức xác định giới tính cho trẻ sau khi chúng được sinh ra (Rathus và cộng sự, 2011). Việc này cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh (siêu âm). Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, trong hầu hết các ca sau sinh, bác sĩ sẽ dựa vào cơ quan sinh dục của trẻ và từ đó có chỉ định giới tính cho chúng (Reiner, 2002). Tuy nhiên, thuật ngữ “Giới tính khi sinh” là một thuật ngữ được dịch ra từ cụm “Biological sex assigned at birth”; do đó nó vẫn phải mang các tiêu chí phụ để hỗ trợ xác định và hình thành một thuật ngữ khoa học hoàn chỉnh. Vậy một Giới tính khi sinh theo tiêu chuẩn của pháp luật Việt Nam để được chuyển đổi giới tính là như thế nào?
🧐 Căn cứ dựa trên Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội, “Giới tính khi sinh” được sử dụng với thuật ngữ khác là “Giới tính sinh học hoàn thiện”. Đây là giới tính khi sinh của một người đã được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục trong và bộ phận sinh dục ngoài. Chỉ những người đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về “Giới tính sinh học hoàn thiện” như trên, tuy nhiên, có nhận dạng giới (bản dạng giới) trái ngược với Giới tính sinh học hoàn thiện, gây ra các khó khăn ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần trong đời sống hàng ngày (phiền muộn giới) thì được quyền yêu cầu chuyển đổi giới tính. Dù vậy, thuật ngữ này được sử dụng cũng gây nhiều tranh cãi khi phủ định sự hoàn thiện của những người liên giới tính.
🧐 “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính” là việc một người sử dụng nội tiết tố sinh dục và/hoặc phẫu thuật ngực và/hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục với mong muốn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ cơ thể đang có giới tính sinh học hoàn thiện sang giới tính khác phù hợp với nhận diện giới của họ (Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính 2023)
Can thiệp để chuyển đổi giới tính không chỉ đơn thuần là can thiệp thể lý (phẫu thuật) mà nó cần tuân theo phác đồ điều trị bao gồm cả can thiệp tâm lý, can thiệp y học (bao gồm cả sử dụng hormone và phẫu thuật chuyển đổi giới tính) được khuyến nghị bởi Hiệp hội Chuyên gia Sức khoẻ Chuyển giới Thế giới (WPATH) khuyến nghị như sau:
🔸 1. Đánh giá chứng phiền muộn giới (nếu có).
🔸 2. Chẩn đoán và thảo luận đưa ra phác đồ điều trị chứng phiền muộn giới.
🔸 3. Giáo dục về các kỹ năng ứng phó xã hội, vượt qua các khuôn mẫu và định kiến về giới cho gia đình và thân chủ.
🔸 4. Đánh giá khả năng đủ điều kiện để sử dụng liệu pháp hormone.
🔸 5. Đánh giá khả năng đủ điều kiện để chuyển gửi phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
✅ Đối với việc can thiệp thuốc chúng ta nên chú ý đến hai mốc tuổi quan trọng sau: trước dậy thì và sau dậy thì. Đối với các bạn trẻ trước tuổi dậy thì phát hiện sớm ra được bản dạng giới không khớp với Giới tính sinh học hoàn thiện thì có thể các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc ức chế dậy thì (Puberty Blocking). Mục tiêu trong điều trị phiền muộn giới trước dậy thì là hoãn lại các đặc điểm sinh học trên cơ thể dựa vào cơ chế đồng vận và đối vận chất GnRH; đối với giới tính sinh học nam là (phát triển cơ bắp, vỡ giọng, v.v…), và giới tính sinh học nữ là (phát triển ngực, xuất hiện kinh nguyệt, v.v…) (Biện pháp ức chế tuổi dậy thì dành cho người chuyển giới và thanh niên đa dạng giới tính, n.d.). Hàng loạt các nghiên cứu năm 2020 từ Van der Miesen và cộng sự, Achille và cộng sự và Kuper và cộng sự đều kết luận rằng thuốc ức chế dậy thì làm tăng sức khoẻ tinh thần tổng thể và là một trong các yếu tố làm giảm phiền muộn giới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học điều trị phiền muộn giới hiệu quả nhất vẫn là can thiệp phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Hi vọng trong tương lai gần nhất, các cơ quan ban ngành nhất là Bộ Y tế sớm thông qua và ban hành một phác đồ điều trị chứng phiền muộn giới để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bạn chuyển giới thực hiện ước mơ một cách an toàn và khoa học nhất.
Đồng thời cần nên xem xét các trường hợp dị ứng thuốc hoặc có bệnh nền nên không thể sử dụng hormone hoặc can thiệp phẫu thuật. Đối với các trường hợp này nếu cứ tuân theo định nghĩa Giới tính sinh học hoàn thiện và chuyển đổi giới tính bắt buộc phải can thiệp hormone hay phẫu thuật thì liệu rằng pháp luật có đang quá cứng nhắc mà bỏ sót và tước đi quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc với nhóm người thiểu số ấy hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ nằm trong tay những nhà làm luật và ban hành chính sách, tuy nhiên tôi tin rằng chúng ta đều bình đẳng với nhau về quyền được mưu cầu hạnh phúc; tôi khác biệt nhưng tôi không cá biệt!
Tài liệu tham khảo: Xem tại ĐÂY
__
📃TỜ A4 – BẮT ĐẦU CÓ HẬU🏳️‍⚧️
Một chiến dịch truyền thông và vận động đồng tổ chức bởi IT’S T TIME và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, là một phần của chiến dịch Tự Do và Bình Đẳng (Free & Equal) năm 2023. “Tờ A4 – Bắt đầu có hậu” hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng.
Liên hệ:
– Email: itsttime.vn@gmail.com
– Hotline: Mr. Quốc Anh – 097 768 2627

Add a Comment

Your email address will not be published.