🏳️⚧️ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI CHUYỂN GIỚI, ĐA DẠNG GIỚI TẠI NƠI LÀM VIỆC LÀ NỀN TẢNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG XÃ HỘI VIỆT NAM CÔNG BẰNG, CỞI MỞ VÀ VĂN MINH 🇻🇳
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”
Vào ngày 02/09/1945, cách đây đúng 78 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bằng một giọng văn hùng hồn và tràn đầy khí thế của một dân tộc tự cường, Bác đã mở đầu Tuyên ngôn, căn cứ dựa trên bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (1791).
Xuyên suốt quá trình xây dựng, đổi mới và sửa đổi Hiến pháp đến nay, Việt Nam có tổng cộng năm bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013), riêng Hiến pháp 1992 được sửa đổi một lần vào năm 2001. Trải qua vô vàn biến động và thay đổi, bình đẳng vẫn tồn tại như một quyền, một nguyên tắc và yêu cầu đặt ra đối với mọi lĩnh vực. Về phương diện pháp lý, bình đẳng đồng nhất và không có sự phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ căn cứ nào như về giới, dân tộc, tôn giáo, v.v… (Tùng, 2022)
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực pháp luật lao động, Hiến pháp năm 2013 quy định người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động (khoản 2, 3 Điều 35); Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (khoản 2 Điều 57). Song song đó, Luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc (điểm a khoản 1 Điều 5); người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (khoản 3, Điều 32)…
Trong lĩnh vực có liên quan, hành vi phân biệt đối xử về giới tính… trong tuyển dụng, quản lý lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về bình đẳng giới đến nay vẫn chưa thực sự đầy đủ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các văn bản pháp luật liên quan, mục tiêu chính là hướng đến sự phát triển ngang bằng cho nam nữ về mọi mặt, tạo điều kiện để nữ giới được phát huy khả năng bản thân (Quang, 2014) và ngăn cấm mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ theo Công ước CEDAW – Việt Nam tham gia từ năm 1981(Quế, 2021). Tuy nhiên đến nay quan niệm bình đẳng giới vẫn còn bị hạn chế, thiếu đi sự bình đẳng trong một giới (giữa các xu hướng tính dục và bản dạng giới). Chính quan niệm lỗi thời ấy đã khiến cho người chuyển giới nói riêng và cộng đồng đa dạng giới nói chung vẫn đang chịu nhiều sự bất bình đẳng tại nơi làm việc và trên nhiều lĩnh vực sống khác (học tập, tiếp cận thăm khám y tế, dịch vụ công, v.v…) (iSEE, 2023). Chính những thiếu hụt về kiến thức và bất cập về quan điểm giới và đa dạng tính dục đã và đang làm quyền của cộng đồng LGBTI+ nói chung và người chuyển giới nói riêng vẫn chưa được chắc chắn.
Thúc đẩy bình đẳng và thúc đẩy không phân biệt đối xử tại nơi làm việc luôn luôn là một mục tiêu hướng đến một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và văn minh. Yếu tố công bằng xã hội cũng được nhắc đến tại trọng tâm thứ ba Hoàn thiện chính sách phân phối thành quả của tăng trưởng kinh tế đối với các lĩnh vực liên quan đến con người trong nghiên cứu Tác động của tăng trưởng kinh tế đến an sinh xã hội ở Việt Nam (Tri và cộng sự., 2020)
Bảo vệ quyền của người chuyển giới tại nơi làm việc, ban hành Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để bảo vệ tối đa quyền lợi của người chuyển giới là nền tảng vững chắc góp phần xây nên xã hội Việt Nam công bằng, cởi mở và văn minh hơn. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức toàn xã hội sẽ làm giảm sự phân biệt đối xử trong công việc và làm giảm các thách thức đến từ định kiến xã hội. Chính những nỗ lực tích cực sẽ thúc đẩy sự đồng cảm của xã hội, sự gắn kết và mở đường cho sự phát triển toàn diện, bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.
Tài liệu tham khảo (Xem dưới phần bình luận)
______
Hãy cùng TỜ A4 tạo nên những BẮT ĐẦU CÓ HẬU về pháp lý cho NCG bằng cách tham gia chia sẻ câu chuyện về đời sống của bạn và các quan điểm, mong đợi của bạn với Dự thảo Luật: https://bit.ly/ToA4BanKetoinghe
__
TỜ A4 – BẮT ĐẦU CÓ HẬU
Một chiến dịch truyền thông và vận động đồng tổ chức bởi IT’S T TIME và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, là một phần của chiến dịch Tự Do và Bình Đẳng (Free & Equal) năm 2023. “Tờ A4 – Bắt đầu có hậu” hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng.
#TOA4 #BATDAUCOHAU #ITSTTIME #UN #UNDP #FreeandEqual2023
Liên hệ:
– Email: itsttime.vn@gmail.com
– Hotline: Mr. Quốc Anh – 097 768 2627