Call Us

0977682627

❓ QUYỀN CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH VÀ QUYỀN XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH – QUYỀN CỦA AI?

Thời gian vài năm trở lại đây, từ khi Việt Nam chuẩn bị xây dựng luật chuyển đổi giới tính đến nay, vấn đề về người chuyển giới đã được đưa ra thảo luận rất nhiều trên tất cả các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình đến các diễn đàn hay các trang mạng xã hội. Một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận sôi nổi nhất phải kể đến là người chuyển giới có cần phẫu thuật định giới để được công nhận là người chuyển giới hay không. Có lẽ, sự nhầm lẫn giữa khái niệm người chuyển đổi giới tính và người liên giới tính đã dẫn đến những câu hỏi như vậy.

🧐 Để giải quyết câu hỏi này, đầu tiên, chúng ta cần làm rõ khái niệm người chuyển đổi giới tính (sau đây gọi tắt là người chuyển giới) và người liên giới tính. Người chuyển giới được hiểu là người có giới tính bẩm sinh không trùng với giới tính mong muốn của họ. Trong khi đó, người liên giới tính là người có giới tính sinh học không rõ là nam hay nữ. Nói cách khác, người chuyển giới là người đã có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng người liên giới tính là người có giới tính chưa được định hình chính xác hoặc có những khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Và trong khi người liên giới tính sẽ muốn mình là nam, là nữ hoặc giữ nguyên tình trạng hiện có tùy vào từng trường hợp thì người chuyển giới sẽ muốn chuyển giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ.

📄 Trong quy định của luật Việt Nam, hai khái niệm này xuất hiện tại điều 36 và điều 37 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, điều 36 quy định về quyền xác định lại giới tính như sau:

“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

📄 Điều 37 lại quy định về chuyển đổi giới tính là “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

🧐 Từ khái niệm và quy định của luật, có thể thấy rằng quyền xác định lại giới tính là quyền của người liên giới tính và quyền chuyển đổi giới tính là quyền của người chuyển giới. Đồng thời, luật đã quy định rõ ràng quyền xác định lại giới tính hoàn toàn gắn liền với sự can thiệp của y học tại điều 36. Nhưng đối với quyền chuyển đổi giới tính, điều 37 lại chưa quy định rõ chuyển đổi giới tính là chuyển đổi về mặt pháp luật hay chuyển đổi về mặt y học. Điều này cũng cho thấy sự cấp thiết cần phải sớm ban hành luật điều chỉnh về vấn đề chuyển đổi giới tính để quy định của Bộ luật Dân sự 2015 không chỉ nằm trên giấy tờ mà có thể đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

🧐 Vì chưa có luật để quy định rõ ràng thế nào là người chuyển giới cùng với việc cả quyền chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính đều có yếu tố “chuyển đổi” nên hai quyền này dễ bị nhầm lẫn với nhau. Sự nhầm lẫn này còn có thể đến từ tư duy nhị nguyên giới đã ăn sâu vào xã hội: trai phải ra trai, gái phải ra gái. Chiếu theo quan điểm này, hiển nhiên cả người chuyển giới và người liên giới tính đều bị xếp chung vào một nhóm “trai không ra trai, gái không ra gái” dù đây là hai nhóm người khác biệt. Những định kiến này đã dẫn đến hậu quả có nhiều người hiểu sai về khái niệm người chuyển giới và thường đánh đồng người chuyển giới với người liên giới hoặc mặc định rằng người chuyển giới phải là người đã can thiệp y tế để chuyển giới. Hậu quả của việc nhầm lẫn này còn nghiêm trọng hơn khi tại Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính (phiên bản tháng 11/2022) đã quy định khái niệm người chuyển giới là:

“Người chuyển đổi giới tính là người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và đề nghị được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật này.” (khoản 2, điều 2)

Nếu luật được ban hành cùng với quy định này thì có nghĩa là chỉ những người chuyển giới đã can thiệp y tế mới được pháp luật công nhận là người chuyển giới với đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp. Điều đó đồng nghĩa với việc những người chuyển giới không muốn can thiệp y tế hoặc không đủ điều kiện can thiệp y tế sẽ không đủ điều kiện để yêu cầu pháp luật công nhận là người chuyển giới. Nếu điều này thực sự xảy ra thì việc ban hành luật chuyển đổi giới tính đã không thể đạt được mục đích khi xây dựng luật là bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người chuyển giới vì quy định của luật có thể tước đi quyền tự do lựa chọn của người chuyển giới.

👉 Chốt lại, quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới và quyền xác định lại giới tính của người liên giới là hai quyền khác biệt hoàn toàn. Dù dễ gây nhầm lẫn nhưng chúng ta vẫn có thể phân biệt rõ ràng hai quyền bằng cách tiếp cận từ chủ thể của quyền là người chuyển giới và người liên giới tính. Chỉ cần hiểu rõ nội hàm của hai khái niệm người chuyển giới và người liên giới thì việc phân định quyền chuyển đổi giới tính và quyền xác định lại giới tính là hoàn toàn dễ dàng và khả thi.
__
📃TỜ A4 – BẮT ĐẦU CÓ HẬU🏳️‍⚧️

Một chiến dịch truyền thông và vận động đồng tổ chức bởi IT’S T TIME và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, là một phần của chiến dịch Tự Do và Bình Đẳng (Free & Equal) năm 2023. “Tờ A4 – Bắt đầu có hậu” hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng.

#TOA4 #BATDAUCOHAU #ITSTTIME #UN #UNDP #FreeandEqual2023
Liên hệ:
– Email: itsttime.vn@gmail.com
– Hotline: Mr. Quốc Anh – 097 768 2627

Add a Comment

Your email address will not be published.